Thiếu máu não: Căn bệnh nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời

(VOH) - Thiếu máu não có thể gây tử vong hoặc để lại những biến chứng nặng nề. Do đó, bạn cần hiểu rõ căn bệnh này như thế nào qua bài viết sau để phòng ngừa đúng cách.

Thiếu máu não là tình trạng phổ biến tập trung ở độ tuổi trung niên và ngày càng trẻ hóa. Trong khi các triệu chứng của thiếu máu não rất đa dạng từ đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai… nếu không được cải thiện kịp thời, có thể gây tai biến mạch máu não - đột quỵ.

1. Bệnh thiếu máu não là gì?

Thiếu máu não, còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não, là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não, dẫn đến giảm cung cấp oxy và dưỡng chất, ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng của một phần hoặc nhiều phần trên não. Khi máu không được cung cấp kịp thời lên não, chỉ trong vòng 10s ngưng trệ các mô não bắt đầu rối loạn, lâu hơn 4 phút các tế bào não chết dần mà hoàn toàn không có khả năng hồi phục.

Tùy thuộc vào các mức độ thiếu máu lên não mà có thể gây ra các biểu hiện và biến chứng khác nhau như rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tư duy, giảm trí nhớ và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu não…

dau-dau-mat-ngu-kinh-nien-suy-giam-tri-nho-80-do-thieu-mau-nao-gay-ra-voh-1
Thiếu máu não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não (Nguồn:Internet)

Xem thêm: Thuốc nào làm giảm trí nhớ của con người?

2. Nguyên nhân thiếu máu não

Bao gồm 3 nhóm nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não:

  • Do huyết khối: do cục máu đông hình thành ở nhóm các động mạch lớn nuôi não (động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch đốt sống..), chủ yếu do hiện tượng xơ vữa động mạch;
  • Do thuyên tắc: gây tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở nơi khác và di chuyển lên não gây tắc mạch, thường có nguồn gốc từ tim (rung nhĩ, bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim..);
  • Do huyết động: như hạ huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn đông cầm máu....

2.1 Đối tượng nào dễ mắc bệnh thiếu máu não

Những đối tượng thường dễ mắc bệnh thiếu máu não, bao gồm:

  • Người lớn tuổi: Thiếu máu não ở người già là căn bệnh phổ biến do tuổi cao làm hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể của tim yếu dần khiến giảm lưu lượng máu tới nuôi các cơ quan, trong đó có não bộ;
  • Người trẻ: Trước đây, thiếu máu não là căn bệnh thường xuất hiện ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay thiếu máu não ở người trẻ tuổi đang dần có xu hướng trẻ hóa khi số lượng ca bệnh tử vong do thiếu máu não ghi nhận được ở người trẻ tuổi đang tăng dần;
  • Trẻ em: Thiếu máu não ở trẻ em có thể diễn ra với mức độ nặng hoặc nhẹ. Ở mức độ nặng hơn nếu không được chữa trị thì sẽ gây ra những nguy hiểm về cả thể chất và tinh thần, thậm chí có thể dẫn đến những di chứng khó chữa trị.

3. Triệu chứng thiếu máu não

Thiếu máu não thường có triệu chứng mơ hồ và khó phát hiện cho đến khi diễn biến nặng nề hơn như:

  • Đau đầu: Lúc đầu cơn đau xuất hiện ở một vị trí cố định, sau đó lan ra khắp đầu, đôi khi, cơn đau đầu dữ dội tới mức không thể tập trung làm việc hoặc ngủ không ngon giấc rất dễ dẫn đến mất ngủ triền miên gây mệt mỏi và gây nặng đầu nhất là khi mới ngủ dậy hay khi phải di chuyển;
  • Người bệnh rất dễ hoa mắt chóng mặt, ù tai, choáng váng, mất thăng bằng, đi lại khó khăn, dễ bị ngã;
  • Giảm trí nhớ, thậm chí có thể mất trí nhớ tạm thời;
  • Rối loạn cảm giác và vận động: Tê bì, nhức mỏi chân tay, vận động yếu;
  • Rối loạn thần kinh thực vật: tim đập nhanh, rối loạn huyết động, cơn bốc hỏa…

4. Bệnh thiếu máu não có nguy hiểm không?

Thiếu máu não nếu không phát hiện, điều trị sớm, tích cực và đúng cách, bệnh sẽ tiến triển không ngừng gây hậu quả nghiêm trọng như xơ hóa não, động kinh, Parkinson... nếu xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ), đặc biệt là nguyên nhân gây ra bởi tăng huyết áp. Khi đột quỵ, nếu qua khỏi thường để lại di chứng nặng nề (lú lẫn), liệt, đi lại rất khó khăn, chậm chạp, đại tiểu tiện không tự chủ. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi phát hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh để kịp thời điều trị và không để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

5. Xét nghiệm thiếu máu não

Sau khi chẩn đoán và thăm khám, bác sĩ sẽ dựa trên thang điểm tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm bổ sung để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân thiếu máu não cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các xét nghiệm đó có thể là:

  • Siêu âm doppler;
  • Chụp CT hay MRI;
  • Chụp mạch não đồ;
  • Lưu huyết não đồ.

Một số xét nghiệm gián tiếp khác cũng giúp xác định nguyên nhân gây bệnh như điện não đồ, các xét nghiệm sinh hóa…

dau-dau-mat-ngu-kinh-nien-suy-giam-tri-nho-80-do-thieu-mau-nao-gay-ra-voh-2
Đo điện não đồ là một trong nhiều cách xét nghiệm căn bệnh thiếu máu não (Nguồn:Internet)

6. Cách điều trị thiếu máu não

Điều trị thiếu máu não tập trung vào việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong các động mạch cung cấp máu và oxy lên não, khôi phục lưu lượng máu, ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng có khả năng xảy ra. Do đó, bác sĩ sẽ đưa ra 2 cách điều trị thiếu máu não như sau:

6.1 Điều trị thiếu máu não bằng thuốc

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Nhóm thuốc này làm cho các tiểu cầu trong máu ít có khả năng liên kết với nhau và tạo cơ hội hình thành cục máu đông. Trong nhóm này, aspirin được xem là có giá thành vừa phải và phổ biến nhất;
  • Thuốc chống đông máu: Những thuốc này nhắm đến các protein có ảnh hưởng đến quá trình đông máu;
  • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bạn sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ điều trị bổ sung các khoáng chất, vitamin giúp tạo máu như sắt, kẽm, vitamin B….

Xem thêm: Mách bạn loại thuốc điều trị thiếu máu não ‘chuẩn không cần chỉnh’

6.2 Điều trị thiếu máu não bằng phẫu thuật

Bên cạnh cách điều trị thiếu máu não bằng thuốc, bác sĩ cũng có thể tiến hành phẫu thuật cho những trường hợp khẩn cấp. Khi người bệnh thiếu máu não bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc hẹp động mạch nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ rất cần thiết để phòng ngừa đột quỵ. Cho dù nguồn gốc của tắc nghẽn nằm ở các động mạch cảnh trong hay hệ động mạch đốt sống thân nền (bao gồm hai động mạch đốt sống và động mạch thân nền) cũng đều được bác sĩ phẫu thuật thần kinh can thiệp.

7. Cách phòng ngừa bệnh thiếu máu não

Để phòng ngừa bệnh thiếu máu não hiệu quả, bạn nên chú ý hơn đến việc cải thiện môi trường sống, giảm bớt gánh nặng về tinh thần, nghỉ ngơi đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị thích hợp do BS chuyên khoa chỉ định. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng là một cách ngăn ngừa căn bệnh thiếu máu não gây ra.

7.1 Bệnh thiếu máu não nên ăn gì?

Người bệnh thiếu máu não nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Cung cấp các chất tham gia tạo máu: chất đạm, sắt, vitamin C, magie, folat, vitamin B12…;
  • Thực phẩm giàu Omega-3: cá hồi, cá tuyết, cá trích, cá mòi, tảo biển…;
  • Thực phẩm giàu polyphenols: đậu, hạt, trà, ca cao…;
  • Thực phẩm giàu nitrate: rau diếp (xà lách), rau chân vịt (bó xôi)...

7.2 Bệnh thiếu máu não kiêng ăn gì?

Những thực phẩm sau đây mà người bệnh thiếu máu não không nên ăn:

  • Hạn chế mỡ động vật;
  • Thức ăn nhanh;
  • Thực phẩm chế biến sẵn;
  • Phụ gia thực phẩm;
  • Thức uống có cồn.

Thiếu máu não với nguy cơ gây tử vong đứng thứ ba, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Do đó, bạn nên tuân thủ và áp dụng đầy đủ các cách phòng ngừa trên. Ngoài ra, để biết chắc chắn mình có bệnh hay không, khám bệnh tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín là điều cần thiết để bác sĩ có thể tư vấn và điều trị kịp thời căn bệnh này.