Trái tim dành cho biển đảo

(VOH) - Tiếp tục loạt bài “Hành trình đến với Trường Sa - Đem yêu thương đến nơi hải đảo", kỳ 2 có nhan đề “Trái tim dành cho biển đảo”.

“Khi tôi sinh ra Gạc Ma rướm máu

64 anh hùng nằm lại dưới biển sâu

Dẫu biết rằng chẳng quên được nỗi đau

Tên các anh đã hoá thành bất tử

Máu các anh đã viết nên lịch sử

Tô thắm màu cờ Tổ quốc ngàn sau…”

(Những người con của biển - Kim Ngân)

Quả thật, “mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ”, vì ta “có ngày, có trời, có biển” nên phải thường xuyên đối mặt với những “rập rình” xâm phạm cõi bờ thiêng liêng của Tổ quốc ta. Nhưng quân và dân trời Nam vẫn luôn bền gan vững chí. Bởi hòa bình mà chúng ta đang có đã phải đánh đổi bằng máu xương của lớp lớp thế hệ cha anh, trong đó có những người hùng giữ biển. 

Bao chuyến hải trình nối nhịp đất liền và hải đảo đã được tổ chức là bấy nhiêu lần nước mắt nhòa rơi trong những buổi lể tưởng niệm các anh – những người lính biển kiên trung đã nằm lại nơi đại dương sâu thẳm, hiến dâng thanh xuân của mình để giữ gìn từng tấc biển quê hương.

Chị Nguyễn Thị Nhã Trúc – Trưởng phòng quản lý chất lượng thực phẩm – ban quản lí an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Vân – Phó khoa Lý luận Chính trị - Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh xúc cảm: “Sự kiện ở Gạc Ma đã đọc nhiều tuy nhiên, xúc cảm khi trực tiếp làm lễ tưởng niệm thì không gì diễn tả được…

Khi đọc bia đá khắc tên các chiến sĩ Gạc Ma, tôi đã phát hiện ra anh Nguyễn Văn Thành sinh năm 1967, cùng quê hương và cùng học phổ thông với tôi. Tôi đã xúc động vô cùng…”

Quà tặng người dân đất liền gửi đến các chiến sĩ ở Trường Sa. Hình: K Ngân

Nhìn những cánh hoa lặng trôi giữa dòng nước biếc tưởng nhớ các anh, lồng ngực mỗi người như nhói đau, nghẹn lại từng cơn. Đó không chỉ là sự tiếc thương mà còn là niềm tri ân sâu sắc để từ đó mỗi người thêm yêu biển trời xứ sở, càng trân quý giá trị của hòa bình. Những người con đất liền thầm nhủ phải càng xiết chặt tay nhau để cùng đồng bào chiến sĩ nơi biển đảo tiền tiêu giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Ý chí đó, tình cảm đó đã được cụ thể hóa bằng những công trình “Vì biển đảo quê hương – vì tuyến đầu tổ quốc”, “góp đá xây Trường Sa”…

Trường Sa, hải đảo, biển đảo

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Hình: K Ngân

Và trong chuyến hải trình đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa lần này, đoàn đại biểu Thành phố đã tham dự lễ gắn biển công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Nam trong niềm vui và cảm kích của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Hơn 35 tỉ đồng không phải là con số nhỏ cho một công trình, song so với tấm lòng và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố thì con số ấy không gì so sánh được. Sự đầu tư, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi hải đảo đó không chỉ là nghĩa vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của “người trong một nhà” với nhau.

Bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – Trưởng đoàn đại biểu Thành phố thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố mang tên Bác cảm xúc bày tỏ: “Trong nhiều năm qua, Thành phố Hố Chí Minh cũng có thể nói là nơi mà tấm lòng, trách nhiệm của người dân với biển đảo thể hiện rất rõ nét. Bên cạnh những chuyến thăm hỏi, động viên, làm việc, cổ vũ…thì Thành phố cũng có những công trình thiết thực để xây dựng trên các đảo.

Qua chuyến đi lần này, đoàn cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ, mong muốn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa những công trình thiết thực trên đảo, không chỉ để phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của chiên sĩ mà còn hướng đến giúp đỡ cho ngư dân để ngư dân có niềm tin và thuận lợi, cũng cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa bám biển khẳng định chủ quyền của chúng ta trên biển”.

Càng nhìn thấy sự vất vả của nhân dân và chiến sĩ nơi hải đảo bao nhiêu, càng thấu hiểu sự khao khát tình cảm của họ bấy nhiêu. Chính vì thế, cho dù phải vượt quãng đường xa, ai nấy đều háo hức, mong chờ được đặt chân lên từng hòn đảo để gặp gỡ, động viên nhân dân và chiến sĩ đang sinh sống và làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng. Mỗi một người đều tự tay chuẩn bị một món quà tinh thần đặc biệt để gửi tặng nhân dân và chiến sĩ.

Đó là những cánh thư hết sức mộc mạc của hơn 300 em học sinh, thiếu nhi Thành phố đã nắn nót viết từng lời, từng nét để gửi đến “chú bộ đội” mà các em chưa hề được gặp gỡ. Những lời hỏi han ngô nghê mà giàu tình cảm của lũ trẻ ấy vậy lại được các chiến sĩ trân quý vô cùng. Hay các tổ đại biểu đều tận tay cắm hoa, làm những cánh thiệp xinh xắn để tặng cho các đảo ghé thăm.

Công dân trẻ tiêu biểu của Thành phố năm 2017 Bùi Minh Thắng lại ấp ủ cả một giấc mơ đem công nghệ trồng nấm ra đảo để giúp các chiến sĩ có thể cải thiện bữa ăn thông qua tăng gia canh tác. Bạn Bùi Minh Thắng chia sẻ ý tưởng của mình: “Đây đã là lần 2 mình may mắn được tham gia chuyến hải trình và mình hi vọng lần khảo sát này có thể nghiên cứu, áp dụng mô hình trồng nấm trên đảo để các chiến sĩ có thể cải thiện chất lượng mỗi bữa ăn…”

Những người lính biển kiên trung quanh năm vui cùng sóng và gió, dùng lời ca tiếng hát để bầu bạn với những canh gác lấp lánh trăng sao. Hiểu được tâm tình người lính, các văn nghệ sĩ góp mặt trong đoàn công tác dù là lần đầu tiên được đến với Trường Sa hay đã là nhiều lần may mắn được đồng hành cũng đều cố gắng hết mình mang đến cho các anh một không gian văn nghệ ấm cúng, gần gũi nhất.

Không biết bao lần, tiếng hát hòa trong tiếng khóc vì tình cảm quá đỗi dạt dào, yêu thương. Ca sĩ Quốc Đại, ca sĩ Minh Thư, ca sĩ Dương Quốc Hưng, ca sĩ Thùy Trinh, diễn viên múa Nam Lê, ảo thuật gia Đức Joker đều xúc động chia sẻ rằng cảm thấy vô cùng khâm phục các chiến sĩ và chỉ muốn hát thêm cho các chiễn sĩ nghe.

Chưa khi nào người nghệ sĩ và khán giả của mình được gần nhau đến vậy. Và cũng chưa bao giờ khoảng cách giữa đất liền và biển đảo lại vô nghĩa đến vậy. Từ “tạm biệt” cứ mấp mé mãi ở vành môi không nỡ thốt thành lời. Khi tàu của đoàn công tác rời bến, những cánh tay vẫy chào làm xao xuyến cả trùng khơi. Tạm biệt Trường Sa yêu thương, tạm biệt những người con kiên trung đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc và “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”.

Đoàn đã chia tay Trường Sa trong tình yêu thương của đồng bào, chiến sĩ. Trở về Thành phố trong không khí rộn ràng ngày non song thống nhất, giải phóng Miền Nam 30/4, mỗi đại biểu đều mang theo một trời thương nhớ của nơi miền biển đảo gửi trao cho đất liền. Tin chắc rằng nhân dân Thành phố sẽ cảm nhận được điều đó và cố gắng sống xứng đáng hơn để luôn là hậu phương vững chắc cho biển đảo tiền tiêu. Bởi lẽ trái tim đất liền luôn dành cho biển đảo yêu thương.