Cây ngân hậu cho không gian nội thất thanh thoát

Cây ngân hậu còn có tên gọi khác là Vạn niên vạch hay Minh ty vằn, có tên khoa học là Aglaonema marantifolium. Cây có nguồn gốc từ vùng Philippin và đảo Molucca.

voh.com.vn-cay-ngan-hau-1

Cây ngân hậu (Nguồn: Internet)

Cây ngân hậu là một trong những loại cây phong thủy được nhiều người lựa chọn đặt trong không gian nhà hay bàn làm việc văn phòng. Cây có phiến lá dài và dày, màu xanh đậm có hình dạng trái xoan, đi kèm với các đường gân hình xương cá tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ rất riêng. Mang nét hoàng tộc với tên gọi và hình dáng độc đáo, cây ngân hậu mang đến cho gia chủ nhiều may mắn trong cuộc sống.

Ý nghĩa cây ngân hậu là gì?

Cây ngân hậu được nhiều gia chủ lựa chọn không chỉ bởi kích cỡ của cây nhỏ bé, có thể đặt được bất kì đâu trong không gian phòng mà còn bởi ý nghĩa phong thủy của nó. Loài cây này mang ý nghĩa giúp xua đuổi tà khí, điềm dữ, vận xui và thu hút may mắn, tài lộc về cho gia chủ. Ngoài ra, cây ngân hậu được trồng thủy sinh còn giúp tăng nét quý phái, sang trọng cho không gian sống.

voh.com.vn-cay-ngan-hau-2

Ý nghĩa cây ngân hậu (Nguồn: Internet)

Những điều thú vị về cây ngân hậu

Cây ngân hậu có nguồn gốc từ vùng đảo Molucca và Philippin từ lâu đời. Hiện nay, cây được trồng nhiều ở khắp các vùng miền Việt Nam bởi điều kiện thời tiết khá thích hợp cho sự phát triển của cây.

Cây ngân hậu ra hoa rất thường xuyên. Hoa mọc thành cụm trên cuống chung dài. Khi hoa nở, ở đỉnh có mo màu trắng nhỏ bao bọc bên ngoài. Hoa tàn thì kết quả. Quả của cây có hình trái xoan dài từ 1-2 cm, có một hạt, xếp sát nhau thành bọng lớn và có chung cuống mập.

voh.com.vn-cay-ngan-hau-3

Quả cây ngân hậu (Nguồn: Wikipedia)

Cây ngân hậu sinh trưởng tốt trong môi trường ít ánh sáng và nhiệt độ thấp nên thường được lựa chọn đặt trong các văn phòng, quán ăn, nhà hàng, quán cafe hay khách sạn, … Ngoài ra cây còn được trồng thành các chậu mini bày trên quầy lễ tân, ban công, cửa sổ hoặc bậc thềm cầu thang lên xuống.

Bên cạnh tác dụng trang trí không gian, ngân hậu còn có khả năng thanh lọc không khí giúp căn phòng trở nên thoáng đãng, xua tan căng thẳng mệt mỏi.

Cách trồng cây ngân hậu

Cây ngân hậu thường được nhân giống bằng cách tách từ bụi cây mẹ để trồng. Có 2 cách trồng phổ biến được nhiều người ưa chuộng là trồng trên đất và trồng trong nước. Dù bạn lựa chọn kỹ thuật trồng nào thì bạn cũng vẫn cần phải đảm bảo đủ lượng nước, nhiệt độ và đặt ở môi trường thích hợp thì cây mới phát triển tốt.

voh.com.vn-cay-ngan-hau-4

Cách trồng cây ngân hậu (Nguồn: Internet)

Nhiệt độ trồng cây ngân hậu

Cây ngân hậu thích nghi với môi trường ít ánh sáng và nhiệt độ thấp nên nơi trồng thích hợp nhất là ở trong nhà, trong các văn phòng có máy lạnh hoặc đặt cây ở những nơi râm mát. Tuy nhiên, hàng tuần, bạn cần đưa cây ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ít nhất 30 phút, đặc biệt là ánh sáng trong khung giờ từ 7 - 9 giờ sáng.

Vào thời gian đầu nuôi dưỡng cây, không cần phải cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng, chỉ cần hòa đạm vào với nước nồng độ thấp để tưới mỗi tuần 1 lần.

Chọn đất và kỹ thuật trồng

Loại đất tốt nhất để cây ngân hậu sinh trưởng tốt là đất mùn và đất phù sa. Bạn nên bón phân lót trước khi trồng để đảm bảo dinh dưỡng cho cây con.

Cách nhanh nhất để nhân giống cây trồng là tách bụi. Chọn bụi cây ngân hậu mẹ có sức sống tốt, không bị sâu bệnh để tách lấy cây con. Sau đó trồng cây con xuống chậu đất đã được bón phân lót từ trước và tưới nước vừa đủ ẩm cho cây.

Đối với cây trồng trong nước, nên thay nước theo định kì mỗi tuần 1 lần để đảm bảo đủ độ dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt.

voh.com.vn-cay-ngan-hau-5

Kĩ thuật trồng cây ngân hậu (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi trồng cây ngân hậu

Cây ngân hậu rất dễ bị thối lá nếu tưới quá ít hoặc quá nhiều nước. Khi thấy cây có biểu hiện thối lá hoặc cuống lá, bạn nên dùng kéo cắt hết phần bị thối. Đối với cây trồng trong nước thì sau khi cắt, cần rửa sạch cây, nhất là chỗ bị thối và thay nước trong bình.

Hạn chế để cây phơi dưới ánh nắng buổi trưa (từ 11h - 15h) vì nắng gay gắt sẽ làm cho lá cây bị cháy nắng.

Cây ngân hậu cũng rất dễ bị bệnh nấm, để tránh tình trạng này bạn nên thường xuyên vệ sinh lá giúp ngăn ngừa bệnh.

Nếu cây bị sâu tấn công bạn có thể sử dụng thuốc trừ sâu tuy nhiên nếu trồng trong nhà thì không được sử dụng thuốc trừ sâu vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, lúc này hãy dùng thuốc diệt muỗi để thay thế. Đối với cây mắc bệnh phấn trắng thì lưu ý dùng khăn và cồn lau sạch.

Cách chăm sóc cây ngân hậu

Trong thời gian đầu trồng cây thì không nên tác động vào đất trồng bởi vì lúc này cây còn rất yếu, nếu động thổ thì sẽ làm cho rễ bị tổn thương. Ngoài ra bạn nên cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ cho cây.

Để cây phát triển tốt, bạn có thể hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây mỗi tuần một lần. Sau mỗi tháng thì tăng dần lượng tưới, khoảng 2 -3 tháng thì sẽ tăng nồng độ. Tuyệt đối không để lá tiếp xúc trực tiếp với dung dịch dinh dưỡng nếu không cây sẽ bị ngộ độc.

Cây ngân hậu không những đem lại may mắn cho gia chủ mà còn mang tính thẩm mỹ cao giúp cho căn phòng thêm thoáng đãng. Hy vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm một sự lựa chọn về cây cảnh phù hợp với gia đình mình.

Cách trồng cây sống đời đơn giản tại nhà : Cây sống đời (hay còn gọi là cây bỏng) là loài cây được trồng nhiều ở Việt Nam dùng làm cảnh, trang trí nhà cửa, phong thủy và được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Những điều cần biết về cách trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ : Cây lưỡi hổ rất được ưa chuộng trong nội thất vì dễ chăm sóc và bộ lá của cây rất bền. Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để biết thêm về loại cây này.