Cây phật thủ - vẻ đẹp tâm linh giàu giá trị tín ngưỡng và kinh tế

(VOH) - Là loại quả không thể vắng mặt trong chùa chiền, bàn thờ gia tiên vào các ngày rằm, lễ tết,... Phật thủ mang nhiều giá trị tín ngưỡng.

Với hình dáng đặc biệt, Phật thủ có mùi thơm mát, giúp tạo cảm giác sảng khoái, giảm stress, chống đau đầu…Từ lâu đã là loại quả cúng dường, chưng bàn thờ gia tiên mang nhiều ý nghĩa. 

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-7

Quả phật thủ ươm vàng, hình bàn tay Phật vô cùng sang trọng, độc đáo (Nguồn: Internet)

Đặc điểm cây phật thủ

Sở dĩ loài cây này có tên phật thủ vì quả có hình dạng giống như những ngón tay Phật và thường được chọn dâng lên Phật, bày trên mâm ngũ quả vào những ngày Rằm, ngày Tết.

Cây phật thủ có tên khoa học là Citrus medica var. sarcodactylis, thuộc chi cam chanh. Là giống cây bản địa ở Trung Quốc và Nhật Bản, hiện nay Việt Nam trồng khá nhiều. 

Phật thủ thuộc loại cây thân gỗ, cao từ 2 đến 2,5 m, ra hoa kết quả quanh năm.

Quả phật thủ có ăn được không?

Với hình dáng lạ lẫm, bổ ra không có nước, không có ruột mà chỉ có phần lõi xốp, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu phật thủ có ăn được hay không, hay chỉ để chưng cúng?

Câu trả lời là quả phật thủ hoàn toàn ăn được, thậm chí có thể chế biến kết hợp với những nguyên liệu khác tạo nên nhiều món ăn có hương vị đặc sắc như làm mứt, nấu chè (giống vỏ bưởi), nấu cháo, ngâm rượu,... 

Ngoài ra, phật thủ còn có thể dùng để nấu nước uống hằng ngày giúp trị ho, tiêu hóa tốt (công dụng như vỏ cam, chanh, quýt). 

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-6

Phật thủ chỉ có phần lõi xốp nhưng lại chế biến được thành nhiều món ngon (Nguồn: Internet)

Ý nghĩa cây phật thủ

Quả phật thủ có vẻ ngoài sang trọng, khi chín vỏ vàng ươm, đều màu vô cùng đẹp mắt và lung linh, lại còn độc đáo vì có hình dáng như bàn tay Phật nâng đỡ nên mang nhiều ý nghĩa tốt lành. 

Nếu cây mai ngày Tết tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Cây đào xua đuổi tà ma. Cây quất mùa màng bội thu. Cây bắp mọi chuyện thuận lợi, chắc ăn như bắp. Thì chưng phật thủ chính là đem lại may mắn, tài lộc suốt cả một năm cho gia chủ. 

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-5

Phật thủ mang lại may mắn, tài lộc suốt cả năm cho gia chủ (Nguồn: Internet)

Sự tích cây phật thủ

Ngày xưa, dưới chân núi có một gia đình ở đó có hai mẹ con, người mẹ đã già yếu, do lao lực quá nên mắc bệnh đau chướng bụng đau ngực, hàng ngày hai tay ôm trước ngực, mặt mày nhăn nhó, thở ngắn than dài. Cậu con trai là người con có hiếu, để chữa khỏi bệnh cho mẹ đã đi cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn không có hiệu quả.

Ngày nghỉ đêm mơ, vào một buổi tối nọ, cậu con trai hiếu thuận vừa mới chợp mắt được một lúc thì nhìn thấy một vị tiên nữ rất xinh đẹp nhẹ nhàng bay tới nhà, đưa cho mẹ anh một quả giống như bàn tay ngọc của tiên nữ, mẹ anh chỉ ngửi một cái thì bệnh chướng bụng đau ngực đã khỏi, cậu con trai vui mừng tới mức cười lớn ha ha, anh mở mắt ra nhìn thì ra chỉ là một giấc mơ.

Từ đó về sau bệnh của người mẹ đã đỡ hơn một chút, nhưng qua ba bảy hai mươi mốt ngày thì bệnh lại tái phát.

Cậu con trai hạ quyết tâm lên núi tìm loại quả vàng có hình bàn tay tiên nữ giống như anh nhìn thấy trong mơ. Anh thu xếp hành lý, mang theo lương khô, tạm biệt mẹ để lên núi.

Chớp mắt anh đã tìm liên tục được 99 ngày, dường như đã nhổ tất cả các lùm cỏ trên núi, lật từng viên đá, nhưng đến cả hình bóng của tiên quả cũng không thấy.

Một hôm, vào lúc trời chạng vạng tối, sức cùng lực kiệt, cậu con trai đang ngồi nghỉ trên một tảng đá bên đường, đột nhiên có một trận gió to đi qua. Có một ông lão râu tóc bạc trắng hiện ra và nói với cậu con trai rằng: “Con ơi!, trên đỉnh núi có một rừng cây ăn quả, cho ra một loại quả rất đặc biệt, nói không chừng đó chính là loại quả con muốn tìm”. Nói xong, ông lão liền biến mất.

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-4

Có một ông lão râu tóc bạc trắng hiện ra và chỉ lối cho cậu con trai (Nguồn: Internet)

Cậu con trai hiếu thuận cảm thấy như mình đã gặp được thần tiên, trong lòng rất vui mừng, không quản mệt nhọc liền vội vàng rẻo chân leo về phía đỉnh núi.

Vào đêm thứ hai, cuối cùng cậu con trai cũng leo lên tới đỉnh núi, cậu chỉ nhìn thấy khắp nơi trên đỉnh núi đầy những quả vàng, đung đưa đón gió, muôn hình vạn trạng, cậu nhìn sang bên trái rồi lại quay sang bên phải, nhìn đằng trước rồi lại quay ra đằng sau, vui mừng rạng rỡ.

Lúc này, đột nhiên thấy một người con gái thần thái như tiên nữ, tuyệt sắc giai nhân, cô nhìn cậu con trai với ánh mắt dịu dàng, chính là vị tiên nữ mà anh đã gặp trong giấc mơ, anh vội dập đầu lạy……

Vị tiên nữ nói: “Cậu đã vượt qua trăm sông nghìn núi để chữa bệnh cho mẹ, lòng hiếu thuận rất đáng khen! Cậu đi theo tôi”.

Họ đến “Vườn cổ tích”, chàng trai nhìn thấy rất nhiều cây, trái, hoa đẹp tuyệt trần, trong đó có loại quả như trong giấc mơ của cậu với muôn vàn hình dạng khác nhau, có quả giống như bàn tay khéo léo của thiếu nữ, có quả lại như nắm tay của em bé, có quả giống như “Lan hoa chỉ” đệ tử của Lý Viên, quả thì giống như cây phất trần nhỏ mà đạo sĩ dùng, vỏ có màu vàng bóng như vàng, bên trong trắng như ngọc, hương thơm dịu nhẹ, cậu con trai đi một vòng quanh khu vườn, cả người đã thấm nồng mùi hương.

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-3

Cậu con trai đi một vòng quanh khu vườn, cả người đã thấm nồng mùi hương (Nguồn: Internet)

Lúc này vị tiên nữ nói với cậu rằng: “Đây là loại quả quý, ngày xưa tổ sư Thần nông theo chỉ thị của Ngọc Hoàng đã mô phỏng hình dạng của bàn tay tiên nữ trên thiên đình, tạo ra giống cây này và trồng, nó không những có thể chữa được bách bệnh mà còn dùng để trang trí nơi tiên cảnh! Chỉ cần một quả là có thể chữa được bệnh của mẹ cậu!”

Nhưng cậu con trai hiếu thuận nói: “Con muốn mẹ con ngày nào cũng được ngửi mùi hương để chữa khỏi bệnh vĩnh viễn, xin người tặng cho con một cây về trồng được không ạ!”

Vị tiên nữ nghe thấy vậy vô cùng vui mừng: “Vậy thì ta sẽ tặng cho cậu 1 cây về trồng!”. Cậu con trai rất kính cẩn nhận và liên tục nói cảm ơn vị tiên nữ.

Sau khi về nhà, cậu con trai đã tìm một chỗ đất trống ở trước cửa nhà, đào một cái kênh rất dài để dẫn nước suối về trước cửa nhà, hàng ngày dùng nước suối tưới cho cây. Năm đó, cây cho ra rất nhiều trái. Từ đó, mẹ của cậu ngày ngày đều được ngửi mùi hương của cây tiên, bệnh của bà dần dần chuyển biến tốt hơn.

Vì quả của cây tiên có màu vàng bóng, hương thơm ngát, hình dạng giống như một bàn tay Phật, dùng để trị bệnh vô cùng hữu hiệu, vì thế người dân hay gọi là “Cây phật thủ”.

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-2

Quả của cây tiên có màu vàng bóng, hương thơm ngát, hình dạng giống như một bàn tay Phật, vì thế người dân hay gọi là “Cây phật thủ” (Nguồn: Internet)

Cách trồng cây phật thủ

Thời gian

  • Phật thủ trồng quanh năm, đặc biệt là vụ đông xuân trồng vào tháng 2 – 3, vụ thu đông trồng từ tháng 8 – 10.
  • Bắt đầu từ khi trồng đến khi thu hoạch cần 1,5 năm. 

Nhiệt độ, ánh sáng

  • Cây phật thủ thích hợp trồng tại khu vực có khí hậu ôn đới, ưa sáng nên phải trồng nơi có ánh sáng trực xạ. 
  • Nhiệt độ thích hợp là từ 22-26 độ C. 

Loại đất

  • Phật thủ có rễ chùm, ăn sâu 40 – 50cm. Nên chọn loại đất pha cát giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, độ pH từ 5,5 – 6,5.
  • Những vùng đất chua có thể trộn thêm xỉ lò, tưới nước để giảm thành phần kiềm. Hoặc có thể tưới thêm FeSO4 để thay đổi trị số pH của đất.

Phương pháp

Có 2 phương pháp trồng phật thủ là giâm cành hoặc trồng cây con.

  • Đối với trồng từ cây con: Đào một hốc nhỏ giữa mô, đặt cây con vào hốc, tháo bao đựng bầu ra, lấp đất giữ chặt bầu cây, cắm cọc giữ cây cố định.
  • Đối với giâm cành: Có thể trồng trong chậu hoặc trồng trên đất, nếu trồng trên đất với nhiều cây thì hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 40cm. Khi bón phân bón xa gốc một chút. 

Mật độ trồng

  • Đến khi cây được 4 – 5 tháng tuổi thì chuyển ra chậu, hoặc đất trồng chính thức. Đối với trồng đơn canh là 5m x 5m, xen canh là 5m x 7m. 
  • Có thể trồng trên khu vực vùng núi, đồi cao nguyên dốc, trồng xen canh với cây ổi.
  • Nếu vùng đất thấp phải có hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn chỉnh, đắp mô cao 0,5 – 0,6m, rộng 0,8 – 1m.
  • Nếu vùng đất cao, đất bằng phẳng thì đắp mô cao 0,3 – 0,8m, rộng 0,8 – 1m, mặt đất nghiêng <5% không vun mô.

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh-1

Vườn phật thủ sai quả (Nguồn: Internet)

Tưới tiêu

  • Nhiệt độ cao tưới 1 ngày/ 1 lần, nhiệt độ thấp 3 – 4 ngày tưới 1 lần. Không nên tưới nước vào buổi trưa.
  • Khi mưa nhiều cần chú ý thoát nước để cây không bị úng. 

Xử lý ra hoa

  • Sau 1 năm trồng phật thủ, vào tháng 3 âm lịch, dùng dao tiện vào thân cây một vòng tròn, sau 10 ngày tiện lại lần nữa. Bón 1 – 2 lạng kali vào gốc cây.
  • Đến đầu tháng 4 âm lịch tiến hành phun thuốc kích ra hoa 1 – 2 lần. 1 tháng sau cây bắt đầu ra hoa kết quả, đến Tết thì kịp chín. 
  • Từ đợt quả thứ 2 chúng ta không cần tiện thân cây nữa mà chỉ cần bón kali và phun thuốc kích ra hoa. 

Sâu bệnh

  • Cây phật thủ ít sâu bệnh, tuy nhiên chúng ta vẫn nên phun thuốc bảo vệ như thuốc comite hoặc detect giúp trị bệnh nhện đỏ, thuốc tập kỳ trị bệnh sâu vẽ bùa, thuốc sunfation trị bệnh dệp hay thuốc Ridomil hoặc thuốc man xanh trị bệnh nấm.
  • Riêng đối với loại cây ghép, khi kích ra hoa, người trồng nên dùng loại thuốc kích phát tố ra hoa Thiên Nông.

y-nghia-cach-trong-cay-phat-thu-voh

Để phật thủ sai quả đòi hỏi dày công chăm sóc (Nguồn: Internet)

Cây phật thủ mang nhiều giá trị tín ngưỡng từ đó giá trị kinh tế cũng tăng cao, một quả phật thủ to đẹp có giá trung bình từ 150 – 200 ngàn đồng. Cách trồng phật thủ tuy "dễ mà không dễ", để cây phật thủ sai quả đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc đều đặn!     

Xem thêm: