Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Kim Ngân ngay tại nơi làm việc

(VOH) - Cây Kim Ngân (tên khoa học Pachira Aquatica) hay còn được gọi là cây thắt bím, cây bím tóc, bắt nguồn từ Mexico, Brazil, Nam Mỹ và đầm lầy Trung Mỹ.

Nếu cây sinh trưởng ngoài môi trường tự nhiên, Kim Ngân có thể đạt chiều cao gần 18 mét, thân dẻo dai, lá kép chân vịt và xanh quanh năm. Nhắc đến Kim Ngân người ta thường liên tưởng đến sự giàu sang, phú quý.

Cây Kim Ngân mang ý nghĩa gì?

voh.com.vn-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-kim-ngan-0

Cây Kim Ngân mang đến may mắn và giàu có. (Ảnh: Internet)

Được biết đến là loài cây mang đến sự may mắn và giàu có cho gia chủ. Cây Kim Ngân thường được dùng trong trang trí nhà cửa, văn phòng, bàn làm việc,… Theo các chuyên gia phong thủy, cây giúp cân bằng các nguồn năng lượng, ổn định tài chính, giúp thăng công tiến chức trong công việc. Không chỉ vậy, về mặt thẩm mỹ cây Kim Ngân còn giúp cho không gian trở nên trong lành và tự nhiên hơn. Ngoài ra, Kim Ngân cũng có thể trở thành những món quà ý nghĩa để dành cho bạn bè, đồng nghiệp hay đối tác.

Về phong thủy, cây Kim Ngân có 5 lá trên một cành tượng trưng cho năm yếu tố phong thủy: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ giúp cân bằng và ổn định cuộc sống. Với những tán lá xanh mướt quanh năm, cây Kim Ngân rất hợp với người mệnh Mộc và Hỏa.

Vì đặc trưng phong thủy cũng như ý nghĩa, cây Kim Ngân thường được trồng trong chậu với số lượng cây khác nhau mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Chậu 1 cây gọi là “Trụ Thiên”, mang ý nghĩa chọc trời khuấy nước, thể hiện sự kiên cường và bất khuất.

Chậu 3 cây được gọi là “Tam Tài”, “Tam Giáo” tượng trưng cho 3 yếu tố Thiên, Địa, Nhân. Người đời có câu “ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, ngoài ra số 3 còn mang ý nghĩa Phúc, Lộc, Thọ ( An lành – Thịnh vượng – Trường thọ).

Chậu 5 cây gọi là “Ngũ Phúc”, tượng trưng Phúc - Lộc - Thọ - An - Khang. Thể hiện ý nghĩ luôn hướng về gia đình.

Những điều thú vị về cây Kim Ngân

Cây Kim Ngân xuất xứ từ Châu Âu được trồng nhiều tại vùng nhiệt đới có khí hậu gần giống ở Việt Nam. Cây có tuổi thọ cao, ít mắc sâu bệnh. Giống cây cảnh Kim Ngân thường có thân cổ thụ, ít ra hoa và trái. Cây Kim Ngân ngoài tự nhiên có khả năng ra hoa nhiều hơn, độ dài của hoa khoảng 35cm và thưởng nở vào tháng 4 – 11 hàng năm, quả nang một ngăn có hình ovan dạng gỗ và nhiều hạt bên trong.

Tại Việt Nam, cây Kim Ngân được sử dụng để trang trí tạo không gian xanh, thanh lọc không khí, giảm lượng khí CO2, và các chất độc, khí bụi, tạo cảm giác an thần thoải mái mỗi khi nhìn vào.

Để phát huy tối đa tác dụng, mang lại nhiều tiền tài và may mắn thì cần phải đặt cây Kim Ngân ở đúng hướng, đúng vị trí phù hợp với từng không gian. Trong nhà cây Kim Ngân nên đặt theo hướng Đông Nam, góc này rất tốt cho cây cối phát triển và phát huy ý nghĩa phong thuỷ, ngoài ra cũng có thể đặt tại cửa chính của ngôi nhà, ban công, gần két sắt, nơi giữ tiền. Tại nơi làm việc nên để cây Kim Ngân trên bàn, văn phòng hoặc đại sảnh, những nơi có không gian mở.

Cách trồng cây Kim Ngân

Mỗi loại cây đều có những đặc điểm sinh trưởng và phát triển khác nhau và cây Kim Ngân cũng vậy. Để cây có thể phát triển hoàn thiện nhất, bạn cần nắm vững đúng quy trình và các kiến thức cơ bản về cách trồng cây Kim Ngân như sau:

voh.com.vn-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-kim-ngan-1

Cách trồng cây Kim Ngân. (Ảnh: Internet)

Nhiệt độ trồng cây Kim Ngân

Cây Kim Ngân phù hợp với khí hậu nóng ẩm, ưa sáng. Tuy nhiên cũng không nên để cây dưới ánh nắng quá gắt sẽ khiến lá bị cháy và xoăn lại. Cây Kim Ngân có thể sống ở nhiệt độ từ 5°C đến 40°C, phát triển mạnh ở nhiệt độ 18°C đến 26°C. Vì vậy, cây Kim Ngân phù hợp đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà, văn phòng hay ban công, cửa sổ.

Cây Kim Ngân rất dễ phát triển ở ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng nhân tạo. Nhưng để cây phát triển tốt nhất, thỉnh thoảng nên đưa ra ngoài dưới tán cây theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Kim Ngân được trồng trong chậu rất cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng thường xuyên. Khi cây chưa có hoa và quả thì sử dụng NPK 20-20-15 tưới lên gốc cây theo tỷ lệ 100g phân hòa 10 lít nước, chu kỳ 20 ngày/lần. Với cây có hoa và quả thì bón phân Kali theo tỷ lệ 100g Kali hòa cùng 10 lít nước tưới cho cây.

Chọn đất trồng và kỹ thuật trồng

Thông thường cây Kim Ngân được trồng trong chậu để làm cảnh. Tùy vào nhu cầu sẽ chọn loại chậu to hay nhỏ nhưng bạn nên chọn chậu to vừa đủ để cây có thể phát triển tốt. Về giống cây, có thể mua tại các đại lý hay cửa hàng bán cây cảnh, nên chọn kích thước vừa phải phù hợp với chậu. Khi trồng cây cần lưu ý đất trồng phải theo tỷ lệ tro trấu + trấu sóng + xơ dừa với tỷ lệ 60% + 15% + 25% và 100g đến 200g phân lân để cây có nguồn phân dự trữ.

Khi đã chuẩn bị xong đất và chậu, bỏ một ít sỏi nhỏ vào dưới đáy chậu tạo không gian giúp cây thoát nước tốt cũng như tăng khả năng phát triển của rễ. Tiếp đến đổ đất hỗn hợp đã trộn khoảng  ½ chậu và bắt đầu cho cây Kim Ngân vào, đổ hết phần đất còn lại lên trên và ấn chặt gốc rồi định vị sao cho cây thẳng đứng. Sau đó, tưới đẫm nước cho cây và cố định trong bóng mát cho tới khi nào cây bắt đầu ra rễ mới và ra lá thì mang cây đến vị trí thích hợp.

Ngoài ra, cây Kim Ngân cũng có thể trồng thủy sinh. Nếu trồng bằng cách này bạn sẽ dễ dàng quan sát quá trình hấp thụ dinh dưỡng cũng như nhanh chóng phát hiện ra các bệnh liên quan đến cây như nấm hoặc thối rễ.

voh.com.vn-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-kim-ngan-2

Trồng cây Kim Ngân thủy sinh. (Ảnh: Internet)

Cách trồng cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần chọn một chiếc bình phù hợp với kích thước cây. Nhúng phần rễ vào nước thủy sinh, lượng nước cũng tùy thuộc vào chiều cao của bình, nên chế vào khoảng 2/3 bình sau đó nhúng rễ, dùng các viên sỏi nhỏ trang trí bề mặt, cũng có thể thả cá vào để làm sạch bọ gậy hoặc các vi tảo gây bệnh cho cây và nhớ thay nước khoảng 1 tháng/lần.

Những lưu ý khi trồng cây Kim Ngân

Cây Kim Ngân rất dễ trồng và ít bệnh nhưng bạn cũng nên lưu ý nếu thấy cây có một số dấu hiệu dưới đây:

Lá vàng: Báo động của việc tưới quá nhiều nước. Nên để đất ráo nước mới tiếp tục tưới nếu không tình trạng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Lá khô hoặc héo: Đây là hiện tượng vàng úa, khô héo, rụng lá…cây đang mất dần sức sống và cần được phục hồi. Thời gian này, không nên cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nên đặt cây nơi mát mẻ tránh gió mạnh. Trong thời gian phục hồi nuôi dưỡng không nên tác động vào đất trồng chỉ cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ, đồng thời hòa đạm vào nước để tưới cho cây chu kỳ 1 tuần/lần.

Lá bị nâu: Do cây đang thiếu độ ẩm, nhiệt độ thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến màu sắc của lá. Lúc này hãy tăng độ ẩm bằng cách cung cấp đủ nước cho cây.

Bệnh đốm lá: Báo hiệu của việc cây thiếu chất dinh dưỡng (chất Kali) hay đang bị rầy và rệp tấn công. Cách khắc phục nhanh nhất là cung cấp thêm chất Kali được hòa với nước và sử dụng thuốc Diazan để xịt. Kết hợp lau lá bằng nước muối pha loãng cũng giúp cho cây sáng, và khỏe hơn.

voh.com.vn-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-kim-ngan-3

Bệnh đốm lá ở cây Kim Ngân. (Ảnh: Internet)

Thối rễ: Là một trong những bệnh thường gặp nhất của cây Kim Ngân. Đây là hậu quả của việc tưới quá nhiều nước gây ra tình trạng độ ẩm cao, bị úng nước. Khi nhận thấy dấu hiệu này nên lấy cây ra khỏi chậu và tiến hành cạo nhẹ một mảng lớp vỏ cây, kiểm tra thân cây đã chuyển sang màu nâu hay vẫn còn xanh.

Nếu đã có màu xám nâu thì khi đó không còn cứu chữa được nữa. Nếu vẫn màu xanh, rễ vẫn còn khỏe hãy nhẹ nhàng rũ bỏ sạch lớp đất cũ khỏi rễ cây, cắt bỏ phần rễ bị thối. Sử dụng thuốc trừ nấm bệnh Ridomil pha loãng cùng nước và ngâm cả bộ rễ vào khoảng 2-5 phút. Cuối cùng, trộn hỗn hợp đất mới và trồng lại cây.

Cách chăm sóc cây Kim Ngân

Cây Kim Ngân có sức sống rất mãnh liệt, phù hợp với nhiều môi trường nên việc chăm sóc cũng khá đơn giản.

Tuy nhiên không phải vì vậy mà lơ là việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Dưới đây là một vài lưu ý về cách chăm sóc cây Kim Ngân mà bạn nên biết:

voh.com.vn-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-kim-ngan-4

Cách chăm sóc cây Kim Ngân. (Ảnh: Internet)

Nước

Đây là yếu tố quan trọng bạn cần phải lưu ý. Việc thường xuyên tưới nước hay tưới quá nhiều mỗi lần có thể làm hỏng rễ cây, cây bị ngập úng dẫn đến chết. Vì vậy, mỗi lần tưới nhớ kiểm tra xem đất có ướt quá không, phải để đất khô nước giữa các lần tưới, nhưng cũng không được để khô quá dẫn đến cây bị khô.

Độ ẩm

Kim Ngân vốn là loài cây ưa ẩm do đó không nên đặt ở những vị trí có không khí nóng, khô. Trong trường hợp bị mất độ ẩm cần đặt cây lên một khay chậu đá cuội có nước để tiếp ẩm.

Đất trồng

Để cây luôn khỏe mạnh mỗi năm nên thay đất mới để có nhiều dưỡng chất hơn. Đất thay thế phải ráo nước nhanh, giữ được ẩm. Kết hợp với đất dớn và đá Vermiculite trong hỗn hợp đất trồng cũng góp phần giữ độ ẩm tốt hơn.

Bón phân

Việc bón phân cho cây cũng vô cùng quan trọng. Bạn nên thực hiện từ 1.5 – 2 tháng/lần với số lượng từ 10 – 15 viên hòa tan với nước cho một lần tưới. Loại phân thích hợp nhất với loại cây này là phân đầu trâu.

Tóm lại, việc trồng và chăm sóc cây Kim Ngân khá đơn giản. Nếu bạn yêu thích loài cây này thì với những chia sẻ ở trên, bạn có thể tự tin mua về trồng cho mình rồi nhé. Hy vọng loài cây này sẽ mang lại cho bạn nhiều thuận lợi và may mắn trong cuộc sống.

Ngoài Kim Ngân còn nhiều cây cảnh khác cũng mang lại vận may và tiền tài. Bạn có thể tìm hiểu thêm qua các bài viết trên VOH.