10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2016

(VOH) - Năm 2016 là một năm đầy biến động với hàng loạt những sự kiện nổi bật diễn ra trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao... Sau đây là 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2016 do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) bình chọn.

1. Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ ngày 21 đến 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (200 người). Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã bầu ra 19 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng là ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: daihoi12

2. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Sau khi được bầu, 4 chức danh đại diện cho những cơ quan đứng đầu Nhà nước, là Nguyên thủ Quốc gia, người đại diện cho nhóm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày 25/7. Ảnh: TTXVN

3. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ 2016-2021 của mình, đó là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm 2016 đã thể hiện luồng gió mới trong chỉ đạo, điều hành với việc thực hiện nhất quán chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VPCP

4. Năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp mạnh mẽ và khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn mạnh về số lượng và chất lượng để nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp không.

Năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Ảnh: internet

5. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bất chấp những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố môi trường biển miền Trung và tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay, môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt, khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn đăng ký. 

Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bất chấp những khó khăn. Ảnh: TTT

6. "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế", “Mộc bản trường học Phúc Giang” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5/2016, và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.

Cổ diềm trang trí pháp lam ở lăng Thiệu Trị. Ảnh: baothuathienhue

7. Năm 2016, lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung với hai mục đích, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, đã giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, thu gọn thời gian tổ chức thi cử, rút gọn quãng đường di chuyển cho các thí sinh.

Năm 2016, lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung với hai mục đích. Ảnh: VOH

8. Năm 2016 đánh dấu hàng loạt cột mốt lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thể thao Việt Nam, như tấm Huy chương vàng Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh; Huy chương vàng Paralympic đầu tiên của Lê Văn Công; đội tuyển futsal và đội tuyển U19 giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup.

Huy chương vàng Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: VNN

9. Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, tăng 25% so với năm 2015, đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm. Đồng thời, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Sáng 25/12, tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, Tổng cục Du lịch phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức lễ đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam trong năm 2016. Ảnh: nhandan

10. 500 kiều bào từ khắp các nơi trên thế giới dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, tập trung thảo luận những vấn đề mà TPHCM đang hướng đến như xây dựng TP thông minh, phát triển công nghệ cao, hay đào tạo nguồn nhân lực.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới quy tụ 500 kiều bào về hiến kế xây dựng TPHCM phát triển, hội nhập. Ảnh: VNE