35 năm họ vẫn đi tìm đồng đội

(VOH) - Đất nước im tiếng súng đã ba mươi lăm năm. Chiến công oanh liệt của cả dân tộc đã được ghi dấu bằng mốc son 30 tháng 4 lịch sử, nhưng để có được ngày mà cả non sông mong đợi ấy, có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã nằm xuống trên khắp các mọi miền đất nước.

Cũng ba mươi lăm năm ấy, đã có rất nhiều cựu chiến binh vẫn đi tìm hài cốt đồng đội với tâm nguyện: san sẻ những niềm đau của sự mất mát, chia ly với những thân nhân liệt sĩ. Tháng tư này, Gặp gỡ những bác, những chú cựu chiến binh đến với công việc tự nguyện đó, chúng tôi thấy cao quý biết bao nghĩa tình đồng đội.

Có những bác, những chú cựu chiến binh, ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, đã canh cánh bên lòng về việc phải tìm lại những đồng đội đã hy sinh, đưa các anh về với gia đình, nhưng chỉ đến khi về hưu, mới có điều kiện để thực hiện mong ước đó. Chúng tôi gặp thiếu tướng Nguyễn Minh Long - Nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn 324, Quân đoàn 2, khi ông đang lên kế hoạch cho chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trong năm 2010. Mười lăm năm về hưu, đều đặn mỗi năm ông đều dành khoảng 3 tháng rong ruổi khắp các chiến trường xưa để tìm đồng đội. Bàn chân ông đã đi qua trên 100 Nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Quảng Trị có 72 Nghĩa trang liệt sĩ, ông cũng đã đi qua…Từ năm 1995 đến nay, thiếu tướng Nguyễn Minh Long cùng một số cựu chiến binh trong Ban liên lạc sư đoàn 324 đã tìm được hơn 1000 bộ hài cốt liệt sĩ, là những người cùng đơn vị đã hy sinh ở các mặt trận Trị Thiên, Thượng Đức, Đăk Pet. Qua những câu chuyện kể của ông, chúng tôi như hình dung được từng cánh rừng xanh bạt ngàn, nơi ôm ấp, chở che hương hồn các liệt sĩ. Ở tuổi 83, thiếu tướng Nguyễn Minh Long vẫn đang ấp ủ nhiều dự định trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của mình. Ông cho biết: năm 2010 ông đi 3 đợt: Tháng 4 này ông lên đường đi Quảng trị, tháng 7 thì sẽ đến Nghệ An và tháng 12 ông lại về khu vực đồng bằng sông Cửu Long.…Khi nhắc đến những người bạn chiến đấu đã nằm xuống nơi chiến trường, đôi mắt vị tướng dày trận mạc rưng rưng, ông nói:


Câu chuyện của Đại tá - bác sĩ Nguyễn Sanh Dân đi tìm đồng đội lại là một câu chuyện cảm động khác. Ông nguyên là Giám đốc bệnh viện K71B, đóng tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - là một trong 34 bệnh viện phục vụ cho quân chủ lực của chiến trường miền Đông Nam bộ. Lần giở từng trang danh sách ghi tên các liệt sĩ hy sinh tại bệnh viện, những người đã tìm được và chưa tìm được hài cốt, mà ông không giấu được sự ngậm ngùi . Ông nói: bệnh viện K71B ngày ấy có cả thảy trên 700 người hy sinh, nhưng đến nay chỉ mới tìm được 128 hài cốt liệt sĩ. Còn quá nhiều liệt sĩ chưa thể tìm được hài cốt, bởi thời gian và địa hình nhiều vùng đất đã thay đổi nhiều. Đi tìm đồng đội là một công việc khó khăn và cao cả, đi tìm đồng đội là niềm an ủi lớn lao đối với ông, công việc ấy làm ông khoây khỏa, mỗi khi tìm và đưa được hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang để hương linh các liệt sĩ được ấm áp bên đồng đội. Năm nay ngót 80 mươi tuổi, nhưng ông đã mười mấy lần về Lộc Ninh tìm đồng đội. Năm 2009, ông cùng những người trong Ban liên lạc quân y Miền đông đã tìm được 12 bộ hài cốt liệt sĩ . Trong những chuyến đi ấy, có những cuộc hội ngộ mà ngay cả người trong cuộc cũng không khỏi ngỡ ngàng. Bác sĩ Nguyễn Sanh Dân kể về lần tìm thấy hài cốt người bạn, người đồng chí tên Nguyễn Ngọc Quân, mà khi xưa chính tay ông đã chôn cất:

“Bao nhiêu năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng khi nghĩ đến đồng đội đã hy sinh, là những người đã cùng mình chia sẻ cơm đùm muối vắt, cùng ăn sương nằm gió và cùng đi dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, lòng tôi lại thôi thúc chân tôi lên đường”- câu nói đó của ông Lê Trường Giang là tâm niệm chung của những Cựu chiến binh mà chúng tôi đã gặp gỡ. Năm 2009 vừa qua, ông Lê Trường Giang đã đi đến khắp các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để tìm hài cốt những liệt sĩ cùng đơn vị là Trung đoàn 16, đơn vị chủ lực của chiến trường miền Đông Nam bộ. Từ năm 2008 đến nay, ông đã tìm và quy tập 200 hài cốt liệt sĩ đưa về với gia đình, người thân. Chia sẻ niềm vui, khi đưa đồng đội được về với thân nhân, ông nói:

Có những người cựu chiến binh, sau nhiều năm băng rừng lội suối để đi tìm hài cốt đồng đội, hiện nay không còn nhiều sức khỏe, như ông Lý Thái Hiệp, Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 308, nhưng trái tim của người cựu chiến binh đã 85 tuổi này luôn hướng về những người bạn chiến đấu năm xưa, ông nói: giá như tôi còn đủ sức khỏe, tôi sẽ đi tìm tất cả hài cốt những đồng đội đã hy sinh, khi đó tôi mới thực sự yên lòng. Chúng tôi biết: Hành trình 35 năm của những người cựu chiến binh mang nặng nghĩa tình đồng đội như ông vẫn và sẽ còn tiếp diễn…

Ba mươi lăm năm, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chia ly mất mát thì thời gian không thể xóa nhòa. Hành trình của những Cựu chiến binh đi tìm đồng đội như một sự ghi tạc công ơn của đất nước, của mỗi người đối với anh linh liệt sĩ. Chúng tôi, thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thiêng liêng, cao cả của tình đồng chí, đồng đội của những anh bộ đội Cụ Hồ, qua sự truyền dạy bài học uống nước nhớ nguồn, bài học giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ từ chính những công việc thầm lặng, giản dị, nghĩa tình mà cao quý của rất nhiều Cựu chiến binh đã và đang đi tìm đồng đội./.

Thoại Diễm