Ấm áp nghĩa tình mùa xuân

(VOH) - Ngay từ đầu tháng 12 năm 2010, Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo huyện Bình Chánh đã có kế hoạch cụ thể để chăm lo Tết cho người nghèo. Nhờ sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo TP, sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, công tác chăm lo cho người nghèo đón Tết ở huyện Bình Chánh đã được thực hiện rất nghiêm túc và hiệu quả.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị như Cục thuế TP.HCM, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty hóa chất Á Châu,.. trong việc chuẩn bị quà Tết cho dân nghèo. Cho đến giờ này, có thể nói công tác chăm lo Tết cho người nghèo ở huyện Bình Chánh đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo huyện kết hợp với Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo TP, các nhà tài trợ đã trao 1.200 phần quà, Cục thuế TP trao 300 phần quà, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam trao 709 phần quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, v.v. Ngoài ra, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện còn tổ chức chương trình văn nghệ Xuân yêu thương, tặng 1.000 phần quà cho 1.000 hộ có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm. Về công tác chăm lo Tết cho người nghèo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Chánh nhận xét :

Nhờ sự quan tâm của chính quyền và nhà tài trợ, những người nghèo đã được tạo điều kiện để đón Tết. Như chị Trần Thị Thiện ở ấp 4, xã Hưng Long, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đông, thu nhập thấp, chủ yếu từ việc trồng mướp, bầu, bí, … Chị đã gắn bó với nghề nông mười mấy năm, thì ngần ấy thời gian phải vất vả làm việc mới đủ sống. Tết năm nay, chị được Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo huyện và Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tặng phần quà Tết trị giá 300.000 đồng. Món quà tuy không có giá trị lớn về vật chất nhưng lại giàu ý nghĩa tinh thần, thể hiện lòng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Chị Thiện chia sẻ cảm xúc của mình khi được chăm lo trong dịp Tết :

Đến với KP8 thị trấn Hóc Môn, trong căn nhà tình thương xây dựng cách đây 12 năm, trống trước hụt sau, là bà cụ ngoài 60 - Nguyễn Thị Phượng sống đơn độc một mình không người chăm sóc. Được biết, bà có 2 người con trai nhưng cả 2 đều bệnh tâm thần. Một người bỏ nhà đi, sau một thời gian thì mất, người con còn lại thì đang điều trị bắt buộc tại trại tâm thần. Tình cảnh gia đình như thế, bà cũng rơi vào khủng hoảng. “Nhà tui đẹp không, có bông đỏ, bông tím, bông vàng đủ hết, ấm cúng lắm”. Câu nói trong cơn tỉnh cơn mê nhưng thẳm sâu trong đó cả một sự cô đơn, mong mỏi một mái ấm gia đình. Theo cán bộ chuyên trách thị trấn, bà được xếp vào diện chăm sóc, cứu trợ thường xuyên. Hoàn toàn không có thu nhập, hàng tháng bà được trợ cấp 360 ngàn từ ngân sách, cấp cơm hàng ngày từ hội chữ thập đỏ. Đặc biệt trong dịp Tết Tân Mão này, ngoài 500 ngàn trợ cấp từ ngân sách, bà còn nhận được 2 tháng trợ cấp là 720 ngàn cùng nhiều phần quà từ các ban ngành tổ chức. Bên cạnh, ban điều hành khu phố thường xuyên thăm hỏi, động viên chăm sóc sức khỏe cho bà, chỉ mong bà có được những ngày vui vẻ.

Tương tự, gia đình ông Lê Văn Bé, sống cùng 3 người con 2 trai, 1 gái. Người con trai lớn bị tâm thần đã nhiều năm nay. Con trai kế bị bỏng nặng, thương tật 62% trong một tai nạn lao động. Giờ đây thu nhập chính của gia đình chính là khoản lương công nhân còm cỏi của cô con gái. Mức lương hơn 1,5 triệu, cùng với gần 700 ngàn trợ cấp tai nạn lao động từ người con trai cho chi phí gia đình 4 người thật chẳng thấm vào đâu. Tết đến, ông chẳng thấy xuân, chỉ lo cho gia đình đủ ăn, đủ mặc là mừng. Thế nhưng, được sự hỗ trợ từ chương trình chăm lo của TP và địa phương gia đình ông đã có thể nghĩ đến một cái Tết tươm tất:

Để có thể chăm lo tốt cho người nghèo trong huyện, ngoài nguồn ngân sách theo qui định, ngoài sự nỗ lực đi sâu bám sát đời sống của người dân còn có sự chung tay, đóng góp từ các đơn vị, ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch MTTQ huyện Hóc Môn kiêm Trưởng Ban vận động Vì Người Nghèo về nguồn kinh phí, yếu tố quyết định cho các hoạt động chăm lo cho người nghèo nói chung, chăm lo cho người nghèo đón Tết nói riêng, ông cho biết:

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, số tiền, món quà Tết cho hộ nghèo không đáng là bao so với những tầng lớp khác trong xã hội, nhưng đối với những hộ gia đình này đó có thể là cả mùa xuân. Với phương châm “không để một hộ nghèo nào không có Tết” những tấm lòng, những hoạt động chăm lo của chính quyền, các mạnh thường quân đã và đang vượt qua những khoảng cách về không gian, để đến với từng hoàn cảnh, từng gia đình ở ngoại thành thực sự cần hỗ trợ.