An ninh nguồn nước tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức

(VOH) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “An ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn” diễn ra sáng 27/11 tại TPHCM.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, năm 2020 ngành nước Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: “Tổng công suất thiết kế cấp nước từ 10.6-10.9 triệu m khối/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89-90%, tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 19-18%, chất lượng nước không ngừng được cải thiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân, xử lý nước thải đạt khoảng 1.2 triệu m khối/ngày đêm (14-15%)… Tuy nhiên nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao”.

Theo nghiên cứu của World Bank thì nguồn nước của Việt Nam đang trong tình trạng: (1) Quá bẩn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường, lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi từ ngành nông nghiệp; (2) Quá ít từ sự thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải, tổ chức triển khai các chính sách và quy định còn nhiều thách thức; (3) Quá nhiều do hầu hết các con sông lớn tại Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy nguồn tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn”. 

nguồn nước
Nguồn nước ở Việt Nam bị đánh giá là quá bẩn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường. (Ảnh: HL)

Bên cạnh đó, an ninh nguồn nước tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức như: Nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, tài nguyên nước không phân bố đồng đều theo không gian và thời gian, tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng nước kém hiệu quả và lãng phí, các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn sinh thủy ảnh hưởng đến khả năng giữ nước ở các lưu vực…

Dự báo trong vòng 25 năm tới, người dân ở các đô thị lớn (Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai) sẽ cần gấp đôi lượng nước hàng ngày mà các hệ thống hiện tại có thể cung cấp... trong bối cảnh gia tăng căng thẳng về nước. Từ đó các thành phố sẽ phải cạnh tranh để có nước.

Chia sẻ về thực tế diễn ra tại Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Biến đổi khí hậu đã có những biểu hiện rất rõ ràng. Năm 2016 và 2020, Bến Tre và Đồng bằng sông Cửu Long đã gặp những đợt hạn mặn rất nặng nề, ảnh hướng lớn đến đời sống của người dân và ước tính thiệt hạn trên 2000 tỷ đồng. Từ đó địa phương đã đặt ra nhiều giải pháp từ nâng cao nhận thức đến các giải pháp công trình để hạn chế tác hại của hạn mặn… Rất mong các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đề ra các giải pháp thích ứng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”.

 Hội thảo “An ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn”
Hội thảo “An ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn”  (Ảnh: TV)

Ông Trần Ngọc Tam đề xuất giải pháp: do hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng và lệ thuộc vào dòng sông Mê Kông trong khi nguồn nước sông đang ngày càng cạn kiệt. Tại sao chúng ta không nhờ sự trợ giúp của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để trợ lực giải quyết vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia? Điều này cần đòi hỏi một dự án nghiên cứu khoa học để thực hiện giải pháp này”.

Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo an toàn nguồn nước tại TPHCM, ông Trần Kim Thạch – Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco cho biết, đơn vị này đang thực hiện các giải pháp đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, giám sát chặt chẽ và cảnh báo sớm chất lượng nước, phối hợp với hồ đầu nguồn xả đẩy mặn và ô nhiễm, điều phối nhà máy để tăng giảm sản lượng cho phù hợp…Tuy nhiên, công tác này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như kinh phí, chính sách, tác động của biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ nguồn nước mặt…

Từ đó Sawaco kiến nghị sớm ban hành Luật Cấp nước và các chính sách về tài chính để thực hiện chương trình cấp nước an toàn, xây dựng chiến lược sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, tăng cường công tác tuyên truyền về cấp nước an toàn, thực hiện liên kết vùng và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc về cấp nước an toàn…