Ảnh báo chí chiến trường và những thông điệp lịch sử

(VOH) - Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam, những nhà báo, những phóng viên chiến trường đã luôn có mặt ở những nơi gian nan, ác liệt của cuộc chiến đấu, đương đầu với mọi hy sinh, gian khổ để truyền đi những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến, hình thành nên một kho tư liệu ảnh sống động về tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại triển lãm ảnh “Việt Nam - Cuộc chiến tranh qua ảnh” (Ảnh: TTXVN)

Ký ức chiến tranh dưới ống kính của các phóng viên chiến trường thực sự là quyển nhật ký bằng hình ảnh chân thực và sống động về lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân làm nên những chiến thắng vĩ đại.

Tác nghiệp trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của mưa bom, đạn nổ; của sự thiếu thốn về thiết bị, kỹ thuật nhưng với trách nhiệm của những người cầm máy, trách nhiệm đối với cơ quan, độc giả và đất nước; thế hệ phóng viên chiến trường đã dũng cảm đương đầu với sự khốc liệt của chiến tranh, đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết để cho ra đời những bức ảnh vô giá, mô tả về hiện thực cuộc chiến và tinh thần quả cảm của người lính "Bộ đội cụ Hồ”.

Những khoảnh khắc chiến trường ấy đã tạo nên rất nhiều tên tuổi trong nền nhiếp ảnh báo chí cách mạng Việt Nam như: Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam, Hứa Kiểm, Hoàng Văn Sắc, Phạm Hoạt, Dương Đức Quảng, Trần Mai Hưởng, Nguyễn Thiệp...

Nhà báo Chu Chí Thành - cựu phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ: “Giá trị tài liệu và giá trị lịch sử của những bức ảnh chiến tranh rất lớn, nó ghi lại rất trung thực hình ảnh chiến đấu của nhân dân 2 miền Nam, miền Bắc; tố cáo những tội ác chiến tranh. Những bức ảnh ấy là bằng chứng cho thấy tinh thần chiến đấu, bảo vệ độc lập dân tộc của chúng ta - những người bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, du kích... và mọi tầng lớp nhân dân đều nhất trí, đồng lòng, hi sinh để bảo vệ tổ quốc...”

Với nhiếp ảnh gia Hoàng Văn Sắc, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thì sau gần 30 năm cầm máy, đã đi đến nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng những năm tháng trên tuyến lửa khu 4 và tuyến đường Trường Sơn (1965 - 1974) vẫn để lại cho ông nhiều ký ức sâu đậm nhất.

Tác giả của những bức ảnh nổi tiếng như “Đường ra tiền tuyến”, “Tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” bồi hồi nhớ lại: “Cảm xúc nhất với tôi là tuyến đường Trường Sơn, trong lúc quân địch đánh phá ác liệt thì lực lượng thanh niên xung phong vẫn vui chơi, ca hát, trồng rau, chăn nuôi... mà không hề sợ sệt gì cả. Trong lúc cây cối đổ ngã thì xe cộ của chúng ta vẫn cứ vận chuyển hàng vào miền Nam, mặc dù địch đánh ta vẫn cứ đi...”

“Không bỏ quên một ai đã từng chụp ảnh chiến tranh, không bỏ sót một kỷ niệm nào thời chiến”, đó là tâm nguyện nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Ðức Chính khi ông thực hiện bộ sách ảnh “Nhiếp ảnh Việt Nam - 30 năm chiến tranh giữ nước (1945 - 1975)”.  

Bộ sách ảnh đồ sộ này qui tụ gần 1.900 bức ảnh của 728 nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước về chiến tranh Việt Nam, trong đó có 154 nhà nhiếp ảnh nước ngoài thuộc 16 quốc tịch từng tham gia chụp ảnh chiến tranh Việt Nam. Đồng thời, tác giả Nguyễn Đức Chính cũng ghi nhận có 131 nhà nhiếp ảnh Việt Nam, 57 nhà nhiếp ảnh quốc tế đã ngã xuống trong suốt cuộc chiến.

“Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam trong kháng chiến đều đã sống như các chiến sĩ oanh liệt trên mặt trận với tinh thần kiên cường không ngại gian khổ, không ngại hi sinh để chụp được những tư liệu quí giá cho bộ sử chiến tranh. Tôi cũng rất cảm phục các nhà nhiếp ảnh thế giới; lần đầu tiên báo chí thế giới, nhiếp ảnh thế giới trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã lập nên một kỳ tích thật đặc biệt so với bất cứ cuộc chiến tranh khác trước đó trên thế giới; ảnh của họ liên tục được chụp, xử lý ngay và phân phát ngay ra toàn thế giới, tác động ngay vào công luận thế giới. Tôi thật sự kính nể hoạt động của anh em nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới trong cuộc chiến này...” - Ông Chính xúc động và tự hào khi nói về những đồng nghiệp của mình.

Tạo ra những làn sóng xã hội sôi động, mạnh mẽ từ hiện thực chiến tranh ở Việt Nam phải kể đến những bức ảnh của những cựu phóng viên quốc tế. Qua ống kính của phóng viên các hãng thông tấn quốc tế mà thế giới biết đến chiến tranh Việt Nam nhiều hơn, có thể kể đến những tên tuổi nhiếp ảnh chiến trường quốc tế nổi tiếng như: Horst Faas, Kyoichi Sawada, Nick Út, Malcolm Browne, Tim Page, Eddie Adams, Larry Burrow...

Cũng nhờ những khoảnh khắc ở chiến trường Việt Nam mà nhiều phóng viên ảnh quốc tế đã nổi tiếng trên thế giới và được trao tặng những giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, giải Ảnh Báo chí Thế giới.

Ishikawa Bunyo, cựu phóng viên người Nhật Bản đã có nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc tội ác và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược ở cả 2 miền Nam - Bắc Việt Nam, ông đã có nhiều cuộc triển lãm qui mô lớn tại Nhật Bản như “Việt Nam - 35 năm chiến tranh và hòa bình”, “50 năm Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình” và cũng đã trao tặng nhiều bức ảnh tư liệu quí giá để trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.

Ông xúc động bày tỏ: “Chúng tôi muốn dùng những hình ảnh này để giới thiệu cho nhân dân Nhật Bản, nhân dân Việt Nam và thế giới biết rõ về sự ác liệt của chiến tranh Việt Nam. Đã có rất nhiều phóng viên đã hi sinh trên chiến trường, trong đó những người bạn của tôi, đó là sự tổn thất lớn. Và để bù đắp lại sự hi sinh đó thì bản thân chúng tôi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để có thể lưu lại những hình ánh quý giá cho những thế hệ mai sau...”

Chiến tranh Việt Nam đã qua đi nhưng hậu quả, những hồi ức và những âm hưởng khốc liệt của nó thì như vẫn in đậm trong lòng những cựu phóng viên Việt Nam và quốc tế.

Chiêm ngưỡng những bức ảnh chiến trường sống động, giàu tính nghệ thuật và những giá trị nhân văn; thế hệ những người cầm máy trẻ hôm nay càng không được phép lãng quên biết bao mồ hôi, bao mất mát hi sinh mà các cựu phóng viên ảnh chiến trường đã đánh đổi mới có được. Trong quá trình giao lưu hội nhập hiện nay, ảnh chiến trường Việt Nam cần có thêm nhiều “chất xúc tác”, nhiều chương trình quảng bá, triển lãm để có thể đến gần hơn với độc giả trong nước và bạn bè quốc tế.

“Tôi mong chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tập hợp đầy đủ hơn nữa những người từng chụp về cuộc chiến để họ ngồi lại với nhau, kể chuyện với nhau về chụp ảnh thời chiến, để tìm ra được truyền thống của nghệ thuật nhiếp ảnh” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Chính bày tỏ mong muốn.

Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành thì chia sẻ tâm tư về việc phát huy kho tư liệu ảnh chiến tranh: “Chúng ta phải tăng cường quảng bá, thông tin, giới thiệu tác phẩm với các độc giả Việt Nam và nước ngoài. Bên cạnh đó nên xuất bản những cuốn sách, bưu ảnh về chiến tranh Việt Nam, về tinh thần chiến đấu của nhân dân ta, dùng những bức ảnh để làm bằng chứng dẫn giải cho mọi người thấy được tội ác chiến tranh và tinh thần chiến đấu của nhân dân ta...”

Chiến tranh đã qua 40 năm, nhưng kho tư liệu đồ sộ về ảnh chiến trường vẫn còn đó như một minh chứng sống động về sự tàn khốc của chiến tranh, như một lời nhắc nhớ thế hệ hôm nay phải luôn biết trân quí giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.

Những khoảnh khắc chiến trường ấy còn chứa đựng những thông điệp nhân văn, là động lực để thế hệ những nhà báo, phóng viên, những người cầm máy trẻ Việt Nam hôm nay tiếp nối truyền thống yêu nước của cha anh; góp phần đưa nền nhiếp ảnh, nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển.