Bác sĩ gia đình – Mô hình mới cần nhân rộng

(VOH) - Kể từ ngày 15/7, thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình chính thức có hiệu lực ở 8 tỉnh thành phố là Hà Nội, TPHCM, Hải phòng, Cần thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Trước đó, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã triển khai mô hình này và dần nhận được sự tín nhiệm của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người còn chưa hiểu hết về vai trò của bác sĩ trong mô hình này.

Chúng tôi đến Bệnh viện quận 10 vào buổi sáng, các dãy ghế ở tầng trệt khu nhận bệnh đầy kín người ngồi chờ, khu khám bệnh bác sĩ gia đình được đặt ở tầng 2 có 9 bàn khám bệnh với 26 bác sĩ thay nhau chẩn trị. Nhìn vào danh sách và ngày trực của bác sĩ dán ngay trước phòng khám, bác Nguyễn Tiến Minh, nhà ở phường 9 quận 10 nói: Vậy là hôm nay lên không đúng ngày trực của bác sĩ quen, thôi thì khám bác sĩ khác cũng được. Hỏi chuyện thì được biết, bác Minh có Bảo hiểm y tế ở bệnh viện quận 10 đã hơn 2 năm nay nhưng mới lựa chọn dịch vụ bác sĩ gia đình chỉ được khoảng 5 tháng vì ngại cảnh chờ đợi ở khu khám thông thường, hơn nữa khi gặp bác sĩ gia đình thì cũng được tư vấn kỹ càng hơn về bệnh tình của mình. "Khám thì thấy chất lượng được, thứ nhất là gọn và nhanh hơn, phù hợp hơn dưới, chỉ có cái bất tiện là tháng này khám bác sĩ này thì tháng sau phải khám bác sĩ khác, vì tôi phải đi làm không có thời gian theo lịch nên tháng này theo bác sĩ A, tháng sau theo bác sĩ B và tháng sau thì sang bác sĩ C, trong khi đi khám bệnh thì lúc nào cũng mong muốn được gặp 1 bác sĩ".

Theo lời bác Minh chia sẻ thì do bận quá nhiều việc nên không thể đi khám đúng vào những ngày mà vị bác sĩ quen trực. Trên thực tế, ở phòng khán này có qui định: bác sĩ phải phụ trách xuyên suốt hồ sơ của bệnh nhân ngay từ lần khám đầu tiên và theo dõi liên tục về sau. Đây là một trong nhiều ưu điểm của mô hình bác sĩ gia đình. Bệnh nhân không những được thăm khám kỹ lưỡng mà còn được bác sĩ chia sẻ tâm tư nguyện vọng trong quá trình điều trị. Đó là chưa kể y bạ bệnh nhân được lưu trữ làm căn cứ cho việc kiểm tra sức khỏe của những người thân trong gia đình. Bác sĩ gia đình sẽ là người sàng lọc bệnh, sau đó chuyển đến bác sĩ chuyên khoa xử lý, như vậy sẽ rất tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thanh Toàn, Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình - Khoa Y Trường ĐH Y Dược lý giải: "Các tuyến cơ sở ở quận chủ yếu là người bệnh nghèo, bệnh nhân mãn tính, họ thường phải đi khám bệnh suốt năm. Trong tương lai bác sĩ gia đình sẽ là bác sĩ của mọi người. Chi phí khám bệnh dần dần thấp xuống một chút thì lượng bệnh nhân được điều trị sẽ tăng lên. Bệnh nhân bị triệu chứng gì thì đến gặp bác sĩ gia đình trước đi rồi sau đó mới gặp bác sĩ chuyên khoa, như vậy bác sĩ chuyên khoa mới có thời gian để học lên cao hơn".

Trên thực tế, TPHCM đã thí điểm xây dựng mô hình bác sĩ gia đình từ sớm, hiện nay có 20 bệnh viện quận huyện và 98 trạm y tế phường, xã tham gia mô hình này. Chỉ riêng trong năm 2013 có hơn 13.000 lượt bệnh nhân sử dụng dịch vụ và xu hướng ngày càng tăng cao ở những bệnh viện có quan tâm đầu tư đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất hạ tầng....  Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Tài, Phó giám đốc Bệnh viện quận 2 cho biết bệnh viện đang tiếp tục đẩy mạnh khâu truyền thông để người dân quan tâm hơn đến mô hình này, khởi đầu mỗi ngày chỉ có khoảng 20 lượt bệnh nhân thì nay con số này đã tăng lên khoảng 120 lượt. "Bác sĩ gia đình có thời gian trao đổi tư vấn nhiều hơn, quy định bây giờ khám nhanh nhất cũng phải 15 phút/người, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Bác sĩ gia đình đã trải qua một thời gian được đào tạo, huấn luyện về y khoa dài lâu, kiến thức cũng như kinh nghiệm của họ đủ khả năng để tư vấn bệnh nhân, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao".


Bệnh nhân được tư vấn tại phòng khám bác sĩ gia đình, Bệnh viện quận Gò Vấp - Ảnh: TNO.

Một số bệnh viện đã nghĩ đến xu hướng đưa bác sĩ gia đình đến tận nhà để giải bài toán quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ nhất là những cán bộ lão thành, gia đình chính sách có công bị liệt do tuổi cao sức yếu. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hữu Quốc, Giám đốc bệnh viện Gò Vấp nêu ý kiến: "Dân ở đây hầu như là cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí nhiều, tôi cũng đã xin phép đăng ký qua hệ thống bác sĩ gia đình của chúng tôi. Chúng tôi cử đội ngũ bác sĩ xuống chăm sóc có trả phí và được hưởng Bảo hiểm y tế đối với những người bị liệt, có công cán bộ lão thành".

Cách làm này tỏ ra hiệu quả, tuy nhiên luật hiện nay vẫn chưa cho phép bác sĩ đến khám và bệnh nhân được nhận thuốc Bảo hiểm y tế tại nhà trừ những trường hợp đặc biệt nêu trên nên người dân vẫn phải đến bệnh viện để được gặp bác sĩ gia đình.

Theo quan sát của chúng tôi, một số bệnh viện cơ sở vật chất hạ tầng đã quá tải và không thể cơi nới thêm trong khi hệ thống y tế phường xã đang bị bỏ quên. Do đó, Sở Y tế đã đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ mở rộng mô hình bác sĩ gia đình đến tận các trạm y tế phường xã và một số phòng khám tư nhân hội đủ yêu cầu.

Hiện Bệnh viện quận 10 đang tích cực đào tạo, tập huấn cho các trạm y tế phường thành vệ tinh của bệnh viện, hàng tuần các bác sĩ của bệnh viện quận 10 sẽ xuống trạm y tế, đồng thời bác sĩ của trạm y tế lên bệnh viện và ngồi vào bàn khám nhằm tạo niềm tin cho bệnh nhân. Khi nhận thấy tay nghề của các bác sĩ ở bệnh viện tuyến phường đã được nâng cao thì tất yếu họ sẽ chọn phương án gần nhà khi đó sẽ giảm được áp lực quá tải vì những căn bệnh thông thường.

Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện quận 10 chia sẻ: "Chúng tôi muốn thu hút về trạm y tế phường. Trạm y tế phường triển khai được mô hình bác sĩ gia đình, kết hợp với khám Bảo hiểm y tế, cho mấy phường mà mạnh lên thì cũng góp phần chia sẻ áp lực với chúng tôi những bệnh đơn giản, những bệnh nhẹ ở tuyến dưới, khi điều trị không được thì mới lên quận".

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp này, bác sĩ Liễu Chi, Trưởng trạm y tế phường 13 quận 10, nơi đang được tập huấn để khoảng giữa năm 2015 sẽ trở thành vệ tinh của bệnh viện quận 10 bày tỏ: "Như vậy tiện lợi lắm chứ, thứ nhất là bệnh nhân ở gần không đi xa nhưng vẫn được hưởng bảo hiểm, trong khi nếu hưởng bảo hiểm ở bệnh viện thì bệnh nhân phải đi xa, không có người đưa đi, còn ở phường thì chỉ cần chạy ra một chút là tới, vậy thuận lợi hơn".

Có nhiều ưu điểm là vậy nhưng việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, bởi nhân sự của bệnh viện cũng chỉ có bấy nhiêu. Bên cạnh đó, người dân cũng chỉ hiểu đơn giản rằng, họ được khám nhanh hơn, và có cảm giác là kỹ hơn chứ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của quá trình theo dõi bệnh tình cũng như các vấn đề chăm lo sức khỏe khác. Do vậy trong thời gian tới, mô hình bác sĩ gia đình cần được tuyên truyền rộng rãi hơn để người dân có thêm thông tin cân nhắc chọn lựa dịch vụ phù hợp cho bản thân và chính họ sẽ góp phần không nhỏ giải bài toán quá tải bệnh viện hiện nay.