Bài 1: Trả lại quyền lợi của người dân vùng quy hoạch "treo"

(VOH) - Nói đến dự án quy hoạch “treo” chắc khó có dự án nào nổi tiếng như dự án Khu quy hoạch Văn hóa - thể thao - du lịch Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Được quy hoạch từ năm 1992 với diện tích 426 hécta đến nay, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ dù đã nhiều lần chuyển chủ đầu tư. Từ đó đến nay, khoảng 3.000 gia đình trong khu vực gặp rất nhiều phiền toái vì lỡ vướng vào quy hoạch. Đầu năm 2014, khu quy hoạch này được giao lại cho Công ty Bitexco. Người dân hy vọng công ty này sẽ làm tốt hơn so với mấy đơn vị trước. Điều đáng nói đây chỉ là một trong những dự án treo điển hình cần được giải quyết.
Người dân sinh sống trong khu vực có dự án  “treo” gặp rất nhiều phiền toái vì lỡ vướng vào quy hoạch. (ảnh minh họa: SGGP)

Theo báo cáo của huyện Củ Chi, hiện nay trên địa bàn có 48 dự án triển khai chậm tiến độ, trong đó có những dự án dù được nhận phần lớn mặt bằng nhưng triển khai rất chậm. Trong số đó phải kể đến dự án xây dựng Công viên Sài Gòn Safari với quy mô 28,5 hécta. Dự án này kéo dài nhiều năm nay dù đã giải phóng mặt bằng được 90%. Lãnh đạo huyện Củ Chi thừa nhận những dự án kéo dài ảnh hướng rất lớn đến quyền lợi của bà con.

Một dự án khác có quy mô lớn tại huyện này là dự án khu đô thị Tây Bắc với hàng ngàn hộ dân sống trong các khu bị “treo”. Theo UBND huyện Củ Chi, do chưa xác định được thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện các dự án đã được phê duyệt quy hoạch nên chưa thể giải quyết cho những trường hợp xin tách thửa. Đây là những dự án điển hình và còn nhiều dự án khác tương tự nằm rải rác trên địa bàn TPHCM. Những dự án này được xây dựng với mục đích khác nhau nhưng có điểm chung là đang nằm "chờ" và hàng ngàn hộ dân trong dự án là những người lãnh đủ. Đây là ý kiến của các hộ dân đang chịu hoàn cảnh đó: "Vì vướng vào quy hoạch tôi muốn cất nhà, chăn nuôi đều không cho phép làm, bán nhà cũng không ai mua"; "Người dân trong khu quy hoạch dự án "treo" phải bán đổ, bán tháo nhà của mình, có người phải bán 60 mét vuông với giá 300 triệu ".


Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, nguyên nhân là do nhiều quy định của pháp luật chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thu hồi đất, triển khai quy hoạch. Một số quy định rất khó thực hiện như việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, năng lực tài chính của nhà đầu tư... Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng: "Do ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong khu vực và kinh tế của nước ta nên các dự án chủ yếu vướng về vốn ảnh hưởng đến tiến độ dự án và đa số các dự án vẫn còn chậm về giải phóng mặt bằng, vấn đề này cần giải quyết từ các giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng".


Hơn nữa, thời gian qua xuất hiện tình trạng “quy hoạch chạy theo dự án”. Nguyên nhân chủ yếu vì bất động sản phát triển quá nóng, hứa hẹn tiềm năng siêu lợi nhuận, nên nhiều chủ đầu tư đã xin điều chỉnh dự án đã được duyệt, chuyển sang xây dựng nhà ở để bán, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, để giải quyết vấn đề này, từ ngày 31/12/2013 không có dự án nào được gia hạn. Vấn đề quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch sau khi dự án bị thu hồi, ông Kiệt lý giải:
"Những dự án thu hồi mà chưa làm gì cả thì người dân  được hưởng toàn bộ quyền lợi theo Nghị định 71, trừ một vài trường hợp khác được pháp luật quy định".


Đây là biện pháp cần thiết nhưng cũng chỉ là phần ngọn, cái gốc vấn đề là làm sao có được đồ án quy hoạch chất lượng, qua đó giao đất, cho thuê đất được thực hiện chặt chẽ. Nếu không, quy hoạch “treo” khó lòng được giải quyết một cách rốt ráo, bởi dù thu hồi dự án thì những quy hoạch vẫn còn đó và người dân tiếp tục gặp khó khăn, còn doanh nghiệp cũng chôn chân tại chỗ. 

Giải quyết quy hoạch treo là vấn đề nhức nhối và là mối bận tâm của lãnh đạo TPHCM. Từ năm 2012, Nghị quyết 16 của Hội đồng Nhân dân TPHCM được đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực có dự án và quy hoạch định hướng phát triển đô thị. 

Nghị quyết thật sự tác động lớn đến cách làm của các sở ngành, quận, huyện và kết quả đến nay được quyết tâm thực hiện ra sao? Đó cũng chính là nội dung chúng tôi sẽ chuyển đến quý đọc giả trong phần 2 của loạt phóng sự này.