Bài 1: Trường Sa hoa đã nở

(VOH) - Những ngày đầu tháng 4, đoàn công tác số 1 của TPHCM cùng các đại biểu tỉnh Cà Mau đã lên con tàu Titan 960 rẽ sóng Biển Đông, đến với các cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Trong hành trình lần này, có những câu chuyện đã được ghi lại thấm đẫm tình người. Cuộc sống của những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa cũng đã có nhiều đổi thay nhờ tình cảm của người dân cả nước, để thấy rằngTrường Sa đã không còn xa nữa.

Có lẽ với bất kỳ người dân nào khi được đặt bước chân lên quần đảo Trường Sa, đều dâng lên cảm giác tự hào !

Nơi biển đảo xa xôi nhưng những người lính luôn sẵn sàng nơi đầu sóng ngọn gió. Nắng, gió, bão bùng và thời tiết khắc nghiệt không khiến cho họ sờn lòng mà trái lại ở nhiều hòn đảo mà chúng tôi được đi qua, màu xanh của hoa lá, cỏ cây đã khiến cho tâm hồn con người trở nên dịu mát hơn và Trường Sa đã không còn xa đối với đất liền.

Chuyển hàng lên đảo - Ảnh: Nhật Nam.

Tàu vừa cập bến đảo Trường Sa Lớn, những món quà nhanh chóng được chuyển lên bờ, các chiến sĩ cũng sẵn sàng tư thế để duyệt binh. Họ đứng vào hàng ngũ chỉnh tề nhưng ánh mắt thì luôn dõi xuống cầu tàu, nơi dòng người đang lần lượt được trung chuyển lên đảo.

Ở Trường Sa lớn, nơi có thị trấn nhỏ nhất nước, rợp màu xanh của những tán lá bàng vuông, cây tra, cây phong ba vươn mình trong nắng gió. Khó mà có thể tả hết vẻ đẹp ở nơi này, những cánh quạt gió xoay tít bên bờ biển xanh ngắt, hệ thống điện năng lượng mặt trời đủ cung cấp điện về đêm, Trường Sa Lớn như một thành phố nổi trên biển. Ở đảo này còn có khá nhiều hộ dân sinh sống, họ bám biển, làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ, cuộc sống ổn định, vô ưu !

Vì là đảo lớn nhất, lại có thị trấn ở đây nên hầu như lương thực - thực phẩm ít khi phải bổ sung từ đất liền. Các anh tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, câu cá. Các chiến sĩ ngoài làm nhiệm vụ thì còn được nghe đài, xem ti vi. Đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao rõ rệt. Thậm chí có chiến sĩ từng công tác ở đảo nhiều năm, vẫn muốn quay trở lại nơi này để cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Ông Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn - Chủ tịch thị trấn Trường Sa chia sẻ:

Với đất liền chuyện nuôi heo, gà, hay trồng rau xanh sẽ đơn giản vô cùng nhưng ở đảo thì không phải là chuyện dễ dàng gì. Hầu hết các đảo nổi, đảo chìm kể cả nhà giàn, các chiến sĩ đã tổ chức trồng trọt rất khéo. Tiêu biểu có thể kể đến đảo An Bang. Ở An Bang, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng những luống rau vươn lên tươi tốt. Trước đây, ngoài đảo đa phần chỉ trồng rau muống hay cải bẹ xanh thì nay có cả rau đắng, rau bầu đất, rau thơm các loại, cả chanh, ớt để anh em cải thiện.

Để có những luống rau xanh này, bộ đội dùng rất nhiều vật liệu để che chắn vườn, nước ngọt sau khi tắm giặt xong được trữ lại dùng để tưới rau. Chuồng nuôi heo gà vịt cũng được chắn gió rất kỹ. Đặc biệt, ở đảo An Bang nhiều người đã rất bất ngờ vì nơi đây cũng giống như ở nhà khi có một giàn bông giấy nhiều màu và hoa vạn thọ cùng nhau khoe sắc như ở đất liền.

Hoa và rau trên đảo Trường Sa - Ảnh: Nhật Nam.

Anh Phạm Binh Nguyên, Chính trị viên phó của đảo An Bang chia sẻ rằng, để có được giàn hoa đẹp này, các anh đã phải gieo hạt rất lâu. Những túi đất được trộn rồi cho vào chậu, thêm phân heo, phân gà, hạt giống hoa được gieo vào đất rồi che chắn kỹ, phải mất hơn 2 tháng những mầm hoa vươn lên trong đất. Những lúc trời gió và khắc nghiệt, anh phải mang vào trong nhà, chờ gió lặng mới đem ra ngoài trời. Tết vừa rồi, những chiến sĩ ngoài bánh chưng, xôi gà thì còn có hoa để ngắm nên cảm giác xa đất liền hầu như không còn nữa.

Trong khi đó ở trên nhà giàn DK 1, các chiến sĩ nuôi gà vịt, trồng rau bằng những chiếc lồng khép kín treo bên hông nhà giàn. Nhìn những chú vịt trắng tung tăng qua lại trong lồng ai cũng thấy vui, những cây chanh, ớt sai trái, giàn lá mơ vươn cao trên mặt biển xanh ngắt xua tan đi cái nắng cái gió.

Ở đảo Đá Đông A, có một cây bàng vuông nhỏ xíu nhưng tươi tốt được trồng trong bồn cây di động, nó được đặt ở vị trí trang trọng nhất để ai đi qua cũng có thể ngắm nhìn. Cách đây vài năm, các chiến sĩ khi đang làm nhiệm vụ thì vớt được trái bàng vuông đã khô, mừng như bắt được vàng, các anh mang trái về ươm thử, không ngờ ít lâu sau cây nảy mầm thật ! Từ đó nó được xem là linh hồn của đảo, trời nắng quá thì đưa vô nhà, chiến sĩ có thể ướt vì gió bão nhưng cây bàng vuông thì không thể chết. Những góc nhỏ ở nhà giàn cũng được trang trí bằng những chậu cây, vỏ ốc xinh xắn tạo cảm giác gần gũi cho các chiến sĩ nơi đảo xa.

Còn rất nhiều câu chuyện dễ thương và ấn tượng trong hành trình thăm cán bộ, chiến sĩ nhân dân lần này. Như khi sóng to gió lớn ở đảo An Bang, một số đại biểu lớn tuổi vì lý do sức khỏe nên không thể lên đảo để đảm bảo an toàn cho hành trình nhưng không vì vậy mà họ cảm thấy buồn lòng, ngược lại tình cảm càng trào dâng, dù phải đứng trên boong tàu và vẫy tay chào từ xa. Hay như có đảo chìm nước quá cạn, văn công không thể vào nên nhóm phóng viên đã trở thành những ca sĩ bất đắc dĩ nhưng vô cùng vui bởi khi ấy giữa mọi người đã không còn một khoảng cách nào trong lời ca tiếng hát vang lên. Khi trở về nỗi niềm lớn nhất chính là những cái vẫy tay đầy lưu luyến mà thân thương đến lạ.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy TPHCM trò chuyện cùng các chiến sĩ - Ảnh: Nhật Nam.

Dẫn đầu đoàn công tác đưa các đại biểu TPHCM đến thăm các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TPHCM rất quan tâm đến cuộc sống của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió này. Bước chân của ông thoăn thoắt khi đến thăm các vườn rau, nơi tăng gia sản xuất, động viên những người lính biển và hứa hẹn sẽ còn có nhiều động thái tích cực khác mà thành phố sẽ thực hiện nhằm giúp cho cuộc sống bớt đi khó khăn và gian khổ:

Tháng tư này quần đảo Trường Sa sẽ làm lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, có những hy sinh, có những nhọc nhằn trong suốt những năm qua nhưng trong trái tim của mỗi người lính, những điều ấy đã được xua tan phần nào với hơi ấm từ đất liền để họ an tâm "đảo là nhà, biển cả là quê hương".

Với tất cả tình cảm của mình, các chiến sĩ tâm sự:

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã từng viết rằng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, với những người lính biển chính vì họ "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" nên hàng chục triệu người dân Việt cũng hòa cùng nhịp đập, và cũng vì vậy mà Trường Sa không còn xa lắm khi non sông, biển đảo liền một dải.