Bài 2: Cuộc trùng phùng trên biển

(VOH) - Chút đặc biệt của chuyến đi lần này là sự hiện diện 2 người mẹ của chiến sĩ, sĩ quan đang công tác ở Trường Sa và cuộc gặp gỡ nơi đảo xa của tình mẫu tử đã để lại thật nhiều cảm xúc trong trái tim mỗi người.

Ngồi trên chuyến tàu Titan lướt sóng Biển Đông, hai người mẹ của chiến sĩ và sĩ quan đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn luôn tranh thủ thời gian để lên boong. Họ làm quen với những thành viên của tàu, ngắm nhìn biển trời mênh mông và hướng đôi mắt về nơi đảo xa, mong chờ giây phút trùng phùng trên biển.

Cô Phan Thị Sáu là mẹ của sĩ quan Lê Văn Hải, cả cô chú đều làm ở cục Hậu Cần Hải Quân nên ngay từ nhỏ cậu con trai lớn, sĩ quan Lê Văn Hải đã được hướng nghiệp theo nghề. Trong những bài học đầu đời, cô vẫn thường giảng giải cho con tình yêu quê hương đất nước, nhiệm vụ thiêng liêng của người lính cụ Hồ, truyền thống của những người lính hải quân. Hải tốt nghiệp ra trường được phân công nhiệm vụ về đảo Trường Sa.

Ngày Hải đi cô vừa mừng vừa tủi. Mừng vì từ nay Hải đã có cơ hội được đến và phục vụ nơi mảnh đất xa xôi của tuyến đầu tổ quốc, được đóng góp sức mình và sẽ trưởng thành hơn. Tủi vì trái tim người mẹ sẽ đong đầy nỗi nhớ. Mỗi lần nghe giọng Hải qua điện thoại cô đều nghẹn ngào nhưng luôn vững vàng động viên để Hải yên tâm công tác. Hết thời gian, Hải trở lại đất liền nghỉ phép và tiếp tục nhận lệnh ra Trường Sa. Ngày nhận được giấy mời tham gia đoàn công tác đi thăm con, cả đêm người mẹ ấy không ngủ được, chỉ mong sao trời nhanh sáng để đến với mảnh đất yêu thương và được thăm con giữa biển trời mênh mông sóng vỗ. "Cô vui và phấn khởi, muốn ở lại Trường Sa lâu hơn nhưng phải đi theo đoàn, nhớ nhung để trong lòng. Bố mẹ đều là lính nên con cũng theo nghiệp, phải làm thế nào để trong đơn vị đoàn kết với nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó".

Giây phút trùng phùng của chiến sĩ Lê Đức Hải và mẹ - Ảnh: Nhật Nam.

Tàu đến đảo Trường Sa Lớn, Cô Sáu được đưa đến bên mạn xuồng trung chuyển vào bờ, Lê Đức Hải đang thực thi nhiệm vụ, nhưng ánh mắt thì luôn dõi về phía cầu tàu mong thấy bóng dáng mẹ mình. Cô Sáu chủ động tìm xuống đơn vị của con, nhìn thấy Hải chạy đến, cô ôm chầm lấy con, những giọt nước mắt trào ra mừng vui khôn xiết. Suốt buổi giao lưu văn nghệ, em luôn ngồi cạnh mẹ, nắm nhẹ đôi bàn tay bởi biết rằng chẳng bao lâu nữa thì đoàn sẽ tiếp tục hải trình. Hải nói rằng, có nằm mơ cũng không nghĩ rằng có lúc được ngồi cạnh mẹ giữa biển khơi. Vậy mới thấy đất liền nào có xa xôi ! "Gặp mẹ rất vui và hạnh phúc, mấy tháng trời em không được gặp mẹ, với nhiệm vụ chung là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của tổ quốc, dù có khó khăn đến đâu cũng phải hoàn thành nhiệm vụ".

Cũng trong giờ phút ấy, ở một nơi khác trên đảo, cô Lê Thị Ánh Mai và chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên cũng đã gặp nhau. Ôm chầm lấy mẹ, Kiên thốt lên, gặp mẹ ở đây con mừng quá. Nước mắt suýt chảy ra nhưng cô Mai đã kịp ngăn lại. Cô muốn con mình thấy, hậu phương sẽ luôn vững vàng để tiền phương an tâm công tác. Giờ ăn cơm cô Mai cùng Kiên trở về đơn vị. Và lúc ấy cô không chỉ là mẹ của Kiên nữa mà tất cả chiến sĩ trong phòng đều đồng thanh "Mời mẹ ăn cơm !".

Trước khi ra đảo Kiên đã có thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Cam Ranh, những lúc đi thăm Kiên, cô luôn mang theo vài chục ký bánh ướt để chia đều cho các chiến sĩ trong đơn vị. Bởi vậy, khi đi thăm một số đảo khác, nhận ra cô, nhiều chiến sĩ đã ôm chầm lấy bởi cũng chẳng ngờ được gặp cô ở nơi nắng gió như thế này. Cô Mai nở nụ cười hạnh phúc bởi các chiến sĩ khi nhìn cô thì nghĩ về người mẹ của mình: "Khi lên đảo thì mẹ ôm con, con ôm mẹ, xúc động lắm nhưng không khóc để con có thể yên tâm công tác. Lên những đảo khác, nhìn các chiến sĩ trạc tuổi con mình thì thương lắm, nói là mẹ thay mặt mẹ của các con ở đất liền mang hơi ấm ra đây để các con yên tâm công tác".

Còn với chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, khi gặp mẹ, Kiên tự hào lắm, bởi so với nhiều đồng đội, Kiên may mắn hơn nhiều. Những tháng ngày trong quân ngũ đã giúp Kiên nhận ra tình yêu của mình đối với lực lượng Hải quân. Kiên hứa với mẹ, hết thời gian nghĩa vụ về đất liền, Kiên mong muốn sẽ được học tập và phục vụ cho lực lượng Hải quân lâu dài. Kiên tâm sự: "Cảm ơn lãnh đạo Thành phố đã tạo điều kiện được gặp mẹ, em cảm thấy may mắn hơn những bạn khác khi được mẹ ra thăm. Có câu "đảo là nhà, biển cả là quê hương" nên em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa của Tổ quốc - Ảnh: Nhật Nam.

Trường Sa sẽ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Những năm đầu xây dựng, điều kiện còn nhiều khó khăn nên hành trình đưa hậu phương đến với tiền phương chưa thực hiện được nhiều, nhưng những năm gần đây, lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là TPHCM cùng với Bộ tư lệnh Hải quân đã tổ chức những chuyến đưa thân nhân của lính đảo đến với bộ đội Trường Sa. Đã có biết bao nhiêu cuộc trùng phùng như vậy, những giọt nước mắt rơi xuống để tinh thần ngày càng vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Dù thường xuyên tổ chức các đoàn công tác ở Trường Sa nhưng mỗi khi trở lại nơi này, nhìn những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt vui mừng ngày trùng phùng, Đại tá Nguyễn Túy, chủ nhiệm chính trị vùng 2 vẫn cảm thấy cay cay khóe mắt: "Đối chúng tôi, dù ra Trường Sa nhiều nhưng mỗi lần đến thì mỗi lần có cảm xúc đặc biệt, mới lạ, luôn dâng trào trong trái tim của mỗi người lính biển. Ra đảo rồi thì đương nhiên ai cũng mong ngóng luôn luôn hướng về phía đất liền, về Mẹ Tổ quốc, nơi đó có người mẹ yêu thương của mình. Đặc biệt là ở giữa biển khơi được gặp mẹ thì đó là điều rất hiếm có".

Trên những cung đường biển, mỗi đảo chìm, đảo nổi, bãi san hô đều là những cột mốc chủ quyền và những người con của TPHCM trên các đảo cũng bùi ngùi khi nhận được sự động viên hơi ấm từ đất liền. Dù tất cả mọi người không quen nhau nhưng chỉ sau vài phút những bàn tay đã nắm chặt, lời ca, tiếng hát vang lên. Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó tư lệnh quân chủng Hải quân, phó trưởng đoàn công tác số 1 của TPHCM bày tỏ tình cảm mà người dân thành phố dành cho người lính đảo và sẽ còn có nhiều hơn nữa những chuyến tàu chở trái tim đất liền về với lính biển. "Qua chuyến đi tôi cảm nhận rằng, đoàn công tác của TPHCM đã đến rất kịp thời động viên tinh thần cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa, để lại cho anh em tình cảm sâu sắc. Hơi ấm từ đất liền giúp quân và dân yên tâm vững tay súng nơi đảo xa".

Vậy đó, Trường Sa có nhiều cái nhất, thị trấn nhỏ nhất, xã đảo nhỏ nhất, có đảo là nơi được đón ánh bình minh đầu tiên và cũng là nơi mà cả nước giành nhiều tình cảm nhất. Trong chuyến hải trình lần này, những cuộc trùng phùng nơi hải đảo xa một lần nữa khiến cho mỗi người cảm nhận rõ rằng Trường Sa là một phần máu thịt trong tim.