Bao giờ mới thoát khỏi cảnh sống chung với nước cống?

(VOH) - Trong vòng mấy tháng gần đây, hàng trăm hộ dân ở khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12 bị “dìm’ trong nước bẩn thì các cơ quan, đơn vị chức năng vẫn “lơ lửng” trách nhiệm của mình.

Nhất là trong trận ngập lịch sử cách đây hơn 2 tuần, họ phải bì bõm trong dòng nước đen ngòm, nồng nặc mùi hôi tanh. Nỗi khổ sống chung với nước cống sẽ kéo dài đến bao giờ khi mà cái tết đang đến cận kề? Lý do vì sao?

Vào khoảng năm 2004, gói thầu số 3 do Sở NN và PTNN TP làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện từ cửa sông Vàm Thuật đến cầu Trường Đạy, dài 9.425 m, nằm trên địa bàn 4 phường: Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An và An Phú Đông của quận 12. Trong đó, công trình thi công cống Cán Dù thuộc phường Thạnh Xuân đã được triển khai thực hiện hơn 1 năm do công ty TNHH Hoàng Quân đứng ra thi công. Dự án này là công trình dân sinh với mục đích ngăn chặn triều cường và chống ngập nước ô nhiễm của kênh Tham Lương. Khi hay tin dự án triển khai, người dân phấn khởi bởi mấy chục năm nay “đến hẹn lại lên”, hễ trời mưa là triều cường vào nhà dân. Nhưng chưa thấy ngăn chặn, chưa thấy chống được bao nhiêu đã thấy một phần hai hộ dân phường Thạnh Xuân phải tự chống chọi hơn nửa tháng qua với nước cống, nước bẩn.

Mặc dù mấy chục năm nay người dân cũng quá quen rồi với những trận ngập do triều cường lên, nhưng ngập do tự nhiên thì âu cũng là bình thường, còn trong lúc nước ngoài sông cạn ráo mà nước trong nhà lênh láng thì trở thành bất thường. Nước sông Cầu Rạch Sâu đen kịt mang theo “phù sa” là rác rưởi tanh tưởi và hôi thối vào từng khe cửa, góc bếp của hàng trăm hộ dân. Anh Vũ Hữu Tuyến- tổ 14, khu phố 5 bức xúc:

Tức nước vỡ bờ, người dân đã nhiều lần chạy lên khu phố rồi UBND phường để kiến nghị nhưng đâu lại vào đấy. Ăn, ngủ, sống với nước cống gần nửa tháng đã khủng khiếp, đến nay nước đã rút một phần nhưng hậu trường thì khủng khiếp hơn. Vẫn là cái hôi hôi, tanh tanh của nước bẩn, rác rưởi giăng mắc cả trên cành cây, lũ mũi như bầy ong vẫn vo ve và lục bình bắt đầu sinh sôi nảy nở trên dòng nước đen ngòm, đặc quánh…

Ông Lê Văn Mười- tổ trưởng tổ 14, khu phố 5, phường Thạnh Xuân, nơi có số hộ bị ngập nhiều nhất cho hay: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập là do đơn vị thi công bít cống thoát nước, ngăn dòng chảy, nước bị ứ đọng và tràn vào nhà dân. Trong khi sông Cầu Rạch Sâu là nơi thoát nước duy nhất của hàng ngàn hộ dân nơi đây, với lưu lượng lớn và dòng chảy mạnh, việc bít cống thoát nước dẫn đến ngập là tất nhiên. Nhưng đơn vị thi công đã không khảo sát tình tình thực tế lại bít cống ngay lúc triều cường lên vào khoảng 15 hằng tháng. Ông Lê Văn Mười nói:

Còn theo kỹ sư Võ Quốc Sự- cán bộ trực tiếp thi công thì bên chủ đầu tư cho thời hạn 20 ngày kể từ ngày đắp xong đê quây để xả nước thượng lưu, thông đê. Nhưng khối lượng công việc khá nhiều mà số lượng công nhân tại công trường thì lèo tèo vài người. Những công nhân ở đây dù có làm việc ngày đêm cũng không ôm xuể số công việc đó. Hơn nữa, muốn thi công phần taluy cống thì bắt buộc phải bít cống, ngăn dòng chảy trong suốt thời gian thi công. Nhưng thử hỏi với tiến độ thi công ì ạch, ngày này qua ngày khác như vậy chẳng lẽ cũng phải bít miệng cống, rồi nước ngập nhà dân trong suốt chừng ấy thời gian. Việc nước ngập được họ xem như điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi. Trong khi đáng ra khi bít miệng cống thì phải mở đường mương cho nước thoát. Hay nói cách khác không phải là sự cố này bắt buộc phải xảy ra nếu muốn tiếp tục thi công như anh Sự nói. Cả chủ đầu tư và đơn vị thi công hoàn toàn có thể tiên đoán trước được những hậu quả xảy ra khi bít miệng cống nhưng họ lại làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng ngập úng thì người dân ùn ùn kéo ra tận chỗ công trường để được giải thích. Song đầu đuôi câu chuyện vẫn chưa ngả ngũ mặc dù đơn vị có hứa với người dân sẽ sớm giải quyết. Nhưng nước vào thì chớp nhoáng mà nước ra thì nhỏ giọt. Chờ đợi 1 ngày, 2 ngày rồi 1 tuần nước không rút, trong lúc người dân khốn đốn thì chính quyền địa phương cũng ra tay đôn đốc theo kiểu “biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Chủ đầu tư và đơn vị thi công sau thời gian đầu bất lực, họ đã cho đào mương lắp đặt 4 cống thoát nước phi 300 để thoát nước nhưng sau vài ngày nước trong khu dân cư vẫn không rút mà chủ đầu tư và đơn vị thi công cứ ung dung là đã khắc phục được rồi. Kiểm tra lại thì vỡ ra là những ống này đã vô hiệu hóa vì là ống nhựa nên dễ dàng bị đè bẹp dí dưới sự qua lại của những chiếc xe tải vào công trình. Rõ ràng là giải pháp đối phó của chủ đầu tư và đơn vị thi công quá đơn giản, “nước đến chân mới nhảy” cho nên không tránh khỏi trường hợp “nhảy” bậy! Hiện nước trên đê Quây vẫn lưng chừng lớn, nước ở nhà dân vẫn mấp mé mà công trình thi công vẫn chưa hoàn thành. Anh Đỗ Trung Dũng- cán bộ giám sát thuộc Sở NN TP khẳng định là sẽ sớm hoàn thành trong nay mai. Từ trước tới nay, họ đã 5 lần 7 lượt hứa là vài ngày nữa sẽ xả nước, thông đê nhưng đợi hoài sao chẳng thấy!

Ngoài việc cho rằng họ chỉ làm theo sự chỉ đạo của chủ đầu tư là Sở NN- PTNT TP thì đơn vị thi công cũng nói sự cố xảy ra là do đê vỡ trên thượng nguồn, nước tràn xuống quá nhiều. Còn bên chủ đầu tư thì bảo do vỡ đê bao nhỏ của phường nên trách nhiệm là ở phường. Hơn nữa trước khi thi công dự án, phường yêu cầu phải giữ mực nước để giao thông thủy. Anh Đỗ Trung Dũng nói:

Trong khi đó địa phương cho hay không phải do đê vỡ mà trên sông Giao Khẩu cũng đang ngăn nước để thi công công trình nhưng do không ngăn được nên ngày hôm sau là xả nước xuống, nhưng nếu nước từ thượng nguồn xuống thì cũng chỉ ở một mức độ nào đó thôi chứ không thể giống như lũ lụt ở miền Tây được. Về trách nhiệm thì họ cũng gạt sang 1 bên. Rõ ràng khi sự việc đổ vỡ, các bên liên quan lại không phối hợp cùng nhau giải quyết. “Ông nói gà, bà nói vịt” mà bên nào cũng nói không làm, không sai mà bắt dân phải chịu. Việc bít cống mà không tính đến hậu quả bất khả kháng xảy ra là một thiếu sót trầm trọng và việc đùn đẩy trách nhiệm là một hồi chuông cảnh tỉnh đúng lúc cho các địa phương, đơn vị thi công, chủ đầu tư trong quá trình làm việc.Tết đến rồi- bà con khu phố 5 phường Thạnh Xuân mong mỏi được thoát khỏi cảnh sống chung với nước cống để đón Tết. Chúng tôi nghĩ việc này không khó, chỉ cần chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương và đại diện nhân dân khu phố 5 ngồi lại quyết tâm khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao nhất là bà con khu phố 5 có thể có cái Tết thật sự trong lành- cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng

Minh Nga