Bạo hành trẻ mầm non - nỗi day dứt không của riêng ngành Giáo dục

(VOH) - Thời gian qua, hành vi bạo hành đã liên tiếp xảy ra ở các nhóm trông giữ trẻ gia đình không phép gây bức xúc dư luận. Điều mong mỏi của người dân làm thế nào để tình trạng bạo hành trẻ mầm non không còn tái diễn.

 
 Nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở những cơ sở giữ trẻ tự phát

Dư luận hẳn chưa quên vụ việc bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) bạo hành tàn nhẫn trẻ mầm non vào năm 2008. Nay lại đến đoạn clip ghi cảnh hành hạ trẻ em tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Sự việc vẫn còn đang nóng hổi, thì mới đây nhất lại thêm một trẻ 16 tháng tuổi ở Đồng Nai nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi gửi ở điểm giữ trẻ không phép. Rõ ràng nỗi ngờ vực, hoang mang đang đè nặng tâm trí nhiều bậc cha mẹ:

                                                                                   
           

 

Đã từ lâu báo chí, dư luận lên tiếng cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn ở những cơ sở giữ trẻ tự phát. Thực tế cho thấy, những rủi ro gây thương tích, thậm chí nguy hại đến tính mạng trẻ hầu hết đều xảy ra ở những cơ sở này. Bởi cơ sở vật chất tạm bợ, diện tích chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu phương tiện đảm bảo an toàn cho trẻ, người giữ trẻ không qua trường lớp, không có bằng cấp chuyên môn... Điểm qua một lượt có thể dễ dàng nhận ra, những nhóm trẻ tự phát chủ yếu tập trung tại địa bàn lượng dân nhập cư đông. Các trường công lập tăng công suất tối đa cũng không đáp ứng nổi. Sau sự việc bạo hành trẻ tại nhà giữ trẻ tự phát ở phường Hiệp Bình Phước, Sở Giáo dục Đào tạo đã yêu cầu quận Thủ Đức tiếp tục rà soát lại những nhóm nhà trẻ tự phát và phát hiện trên địa bàn có đến 111 nhóm giữ trẻ không phép, chưa kể còn 3 phường chưa rà soát hết.

Chúng tôi đã tìm đến những địa phương tập trung đông dân nhập cư tồn tại nhiều cơ sở giữ trẻ không phép để tìm hiểu tình hình trong những ngày qua.

Tại quận 12, trước những vụ việc liên tiếp xảy ra bạo hành trẻ mầm non, chính quyền địa phương nơi đây đã phối hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo rà soát hoạt động của các cơ sở trông giữ trẻ, biết được nơi nào xuất hiện nhóm trẻ tự phát để chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho trẻ. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Q.12 nói:

                                                                                               

 

Còn tại quận Tân Phú, bà Chung Bích Phượng, Phó phòng Giáo dục Đào tạo quận cho hay, phòng đã có chỉ đạo cho các trường mầm non công lập có trách nhiệm giúp đỡ các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn về chuyên môn, hỗ trợ tập huấn ngay từ lúc mới thành lập:

                                                                                               

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và cũng không thể giải quyết triệt để, nhằm hạn chế sự phát triển của các cơ sở tự phát. Vì đóng cửa nơi này thì lại có nơi khác mọc lên do nhu cầu gửi con trong nhóm phụ huynh thu nhập thấp là rất lớn. Hiện có những nơi thu phí giữ trẻ chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, tại các quận này rất ít cơ sở dành cho việc chăm sóc con em người lao động thu nhập thấp.

Để giải quyết căn cơ tình trạng này, đảm bảo sự an toàn cho trẻ và tạo sự yên tâm cho phụ huynh, Thành phố không còn cách nào khác là khẩn trương, tăng tốc xây dựng thêm trường mầm non.

Hiện nay, trường mầm non công lập còn chưa phủ kín phường xã, trong 13 khu công nghiệp - khu chế xuất chỉ có một trường mầm non hoạt động. Danh mục thứ tự ưu tiên xây trường đã có, tuy nhiên vấn đề khó khăn là phải có quỹ đất cho xây trường mầm non. Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM cho biết:

                                                                                               

 

Trước tình hình đó, Sở Giáo dục Đào tạo đang chuẩn bị trình Chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành Chỉ thị mới về “Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non” với việc tập trung xây trường mầm non trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Việc làm trên của Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố diễn ra trong bối cảnh vụ bảo mẫu bạo hành trẻ đang làm chấn động dư luận cả nước. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thiếu trường lớp và những hệ lụy đối với việc chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ. Nếu không có các giải pháp căn cơ và kịp thời, liệu rằng sẽ còn bao nhiêu vụ bạo hành trẻ thơ đau lòng khác tiếp tục xảy ra?