Bão số 14 và sự quyết liệt ứng phó của các địa phương

(VOH) - Siêu bão HaiYan đã trở thành cơn bão số 14 và chỉ còn cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa trên dưới 200 km. Dự kiến vào sáng mai 10/11, bão sẽ áp sát vùng biển Quảng Ngãi và Đà Nẵng, sau đó di chuyển theo bờ biển nước ta và tiến dần vào bờ cho đến bắc địa phận tỉnh Quảng Bình, đáng chú ý là tâm bão sẽ nằm hoàn toàn trên đất liền.

Đến thời điểm này, các địa phương ở Miền Trung nước ta đang hết sức khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão số 14 theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp trực tuyến chiều qua và công điện khẩn số 1816 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão HaiYan. Theo báo cáo của Thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến thời điểm này, Bộ đội Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 44 điểm. Về tình hình tàu thuyền, biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền thông báo hướng dẫn cho hơn 85.000 phương tiện với khoảng gần 400.000 người biết hướng di chuyển của bão số 14 để chủ động phòng tránh.


Người dân và lực lượng bộ đội biên phòng giúp dân kéo tàu thuyền lên neo đậu tại vị trí an toàn

Thực hiện sự chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng nay (9/11), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại tỉnh Quãng Ngãi. Đến sáng nay, tỉnh Quãng Ngãi đã thông tin cho tất cả các tàu thuyền biết diễn biến của bão. Riêng 13 tàu không liên lạc được trước đó thì đến 10 sáng nay cũng liên lạc được và đang di chuyển vào bờ trú bão. Về công tác di dời, sơ tán dân, tỉnh Quãng Ngãi dự kiến sơ tán 90.000 hộ dân với hơn 400.000 nhân khẩu từ các vùng ven biển, vùng xung yếu vào nơi trú tránh an toàn và hiện đã di dời dân cơ bản hoàn thành. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quãng Ngãi cho biết:



Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão Haiyang tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị phòng tránh bão số 14, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần chủ động triển khai các phương án đối phó với bão của chính quyền và các cấp các ngành tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân, thậm chí, cần cưỡng chế dân di dời khi cần thiết. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo:



Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế, để chủ động ứng phó với bão số 14, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi bão đổ bộ…Tỉnh cũng đã có phương án sơ tán, di dời hơn 29.000 hộ dân với trên 110.000 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn ... Ông Nguyễn Văn Cao nói:




Với sức gió giật mạnh cấp 17, bão số 14 sẽ nguy hiểm khó lường. Chính vì vậy, khi kiểm tra tình hình ứng phó với bão, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu mọi công tác cần phải khẩn trương và gấp rút. Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh:



Ngoài ra, hiện các tỉnh Bình Định, Quãng Nam, Quãng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP.Đà Nẵng,… đã phân công lãnh đạo xuống các địa bàn xung yếu, đặc biệt các xã ven biển, vùng miền núi có nguy cơ bị sạt lở để kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với siêu bão. Theo đánh giá thì hiện công tác sơ tán dân vùng ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, lở núi đang được các địa phương trong tỉnh gấp rút triển khai. Cùng với đất liền, tại các đảo trên quần đảo Trường Sa, mọi công tác ứng phó với bão số 14 cũng đang được khẩn trương. Bởi theo nhận định, bão sẽ vào các đảo sớm nhất và là nơi nguy hiểm nhất. Bên cạnh bảo vệ cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo thì rất nhiều tàu thuyền và ngư dân đang trú tránh tại đây. Thượng tá Phạm Văn Hòa, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết tình hình thời tiết và công tác chuẩn bị tại đây.




Theo ông Bùi Minh Tăng – GĐ trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ma sát trong quá trình di chuyển từ khu 5 đến khu 4, bão sẽ giảm cấp. Đáng lo ngại hiện nay là sau khi đổ bộ vào đất liền, bão suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa lớn trên diện rộng các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc. Lượng mưa phổ biến dự báo từ 100 đến 300mm, có nơi cục bộ lên đến 500mm. Vì vậy cần đặc biệt đề phòng an toàn hồ chứa và vùng hạ du, chuẩn bị phương án ứng phó lũ ống, lũ quét, sạt lở đất các vùng miền núi và sơ tán dân. Ông Bùi Minh Tăng cho biết:



Riêng khu vực Nam Bộ, dự báo cũng chịu ảnh hưởng của rìa phía tây nam hoàn lưu cơn bão số 14, thời tiết toàn khu vực có mưa, mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông cần đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy. Vùng biển từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau có gió Bắc đến Đông Bắc cấp 5, cấp 6 và từ chiều tối nay (9/11) chuyển dần sang Tây đến Tây Nam cấp 6, giật trên cấp 6. Thực hiện Công điện Hỏa tốc số 1816 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản lúc 9 giờ sáng nay, tổng số tàu có công suất lớn hơn 90 sức ngựa đang hoạt động trên biển là 13 chiếc với tổng số thuyền viên 175 người. Các tàu có công suất nhỏ hơn 90 sức ngựa tập trung chủ yếu ở 3 xã Long Hòa, xã Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh, các tàu thuyền này đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sáng đi, chiều về bến. Về công tác tàu thuyền và phương án di dân tại huyện Cần Giờ, ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần giờ cho biết thêm:




Dù dự báo bão số 14 ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM nhưng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ vẫn tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động theo dõi và triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó cơn bão số 14, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn TPHCM.