Bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo Tổ quốc là vấn đề thiêng liêng, không bao giờ nhân nhượng

(VOH) - Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước, nội dung về bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (đoàn Tiền Giang), Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) và Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đều cho rằng, vấn đề an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc là thiêng liêng, không bao giờ có sự nhân nhượng. Tuy nhiên, cần thông tin đầy đủ, kịp thời hơn qua hệ thống chính trị ở các địa phương để người dân yên tâm, tin tưởng vào kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) còn cho rằng, không nên dùng tổng sản phẩm nội địa (GDP) làm tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương, trong đó đối với các tỉnh, vùng phên dậu Tổ quốc, cần dành ưu tiên lớn nhất đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ rừng.

Nội dung phát triển kinh tế, xã hội tiếp tục được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của nội tại nền kinh tế, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đặt vấn đề vì sao trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro, suy giảm thì kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao từ 6,2% năm 2016 đến tháng 9/2019 là 6,98%, đó là việc đáng mừng.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho rằng, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng với những đột phá diễn ra trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thế giới được số hóa, tự động hóa. Đối với nước ta, Chính phủ và các bộ ngành đã triển khai các hoạt động để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 song đang gặp nhiều bất lợi do là quốc gia đi sau và tiềm lực công nghệ, đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế.

Giải trình thêm về một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các công trình nghiên cứu và các chương trình đầu tư về khoa học công nghệ đều hướng đến mục tiêu có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tăng năng suất, sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng tham gia trình bày giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, thực trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống và việc quản lý đầu tư cho du lịch.

Ngày mai thứ sáu, 1/11, Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: i) Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; ii) Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; iii) Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.