Bệnh nhân bàng hoàng trước quy định không chi trả vượt tuyến

(VOH) - Khi Luật bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì điều gây lo lắng và bất an nhất cho người bệnh, đó là việc bị cắt hoàn toàn 30% khi khám chữa bệnh vượt tuyến, có nghĩa là người bệnh phải tự bỏ tiền túi khám dịch vụ 100%…

Nhiều bệnh nhân vẫn còn ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra, họ rơi vào tình thế lúng túng, bị động, vì số tiền khám tăng cao bất ngờ so với mọi lần. Thở dài ngao ngán là tâm trạng chung của bệnh nhân lúc này.

Từ ngày 1/1/2015, người bệnh bị cắt hoàn toàn 30% khi khám chữa bệnh vượt tuyến. Ảnh: motthegioi

Hai năm nay, đều đặn mỗi tháng, bác Hồ Văn Vỵ - 75 tuổi, lặn lội bắt xe buýt từ Xuân Lộc – Đồng Nai xuống bệnh viện Nhân dân 115 để khám chuyên khoa tim mạch. Hỏi tại sao không khám ở dưới cho gần, bác Vỵ thành thật cho biết, không phải là không tin tưởng tuyến y tế cơ sở nhưng khám ở dưới bệnh không hết, cứ lên cơn mệt hoài, nên con cháu đưa lên đây. Bác nói ở trên đây hình như chịu thuốc nên bệnh tình ổn. Mỗi lần khám, bác nhẩm tính do được bảo hiểm y tế chi trả cho 30% nên cả thuốc men, siêu âm, xét nghiệm không bao giờ quá 300 ngàn đồng. Số tiền này thì con cháu cho được, nhưng nay đọc báo thấy đợt này lên khám phải chịu 100%, bác lo lắm.

Cùng tâm trạng đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Nhỏ - quê Bình Thuận – đang khám tại bệnh viện Ung Bướu cũng ngao ngán thở dài: "Bữa nay không tính bảo hiểm, mà tính dịch vụ. Muốn hưởng phải đi từng tuyến từng tuyến chứ không được như trước nữa. Tôi đóng 3 triệu rồi, nói thanh toán lại nhưng cuối cùng vẫn không thanh toán".

Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều bệnh nhân khá bất ngờ trước thông tin này, thậm chí có rất nhiều người tới hôm nay khi đi khám đã không có đủ tiền. “Khám bảo hiểm mà cũng giống như dịch vụ” đó là lời nói đầu môi trong tâm trạng chán nản của rất nhiều bệnh nhân. "Tui vô thuốc nhiều lần rồi, giờ nếu trúng tuyến thì được 30% còn không thì phải 100%...Giờ bảo hiểm nghèo cũng không được gì hết, cũng như nhau cả... giờ vượt tuyến không được gì hết", một bệnh nhân than thở.

Khổ nhất là bệnh nhân đang điều trị và khám tại bệnh viện Ung Bướu. Vì là bệnh nay y, cần điều trị dài ngày, tốn kém nên họ sợ phải bỏ cuộc giữa chừng không theo nổi. Để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã chuyển những bệnh nhân này, thay vì nằm viện, sang điều trị ngoại trú để giảm tải, thì nay lại phải theo quy định mới đã khiến nhiều người lâm vào cảnh ngặt nghèo. Hiểu được nỗi khổ của bệnh nhân, Bác sĩ Lê Hoàng Minh  - Giám đốc bệnh viện Ung Bướu  - đã làm văn bản gửi cho BHXH TP để tháo gỡ. "Với Luật bảo hiểm mới, bệnh viện đã làm việc với bảo hiểm y tế. Số bệnh nhân điều trị ngoại trú này phải tính như nội trú thay vì họ nằm phải có giường, mình không có giường nên chuyển họ về điều trị ngoại trú hàng ngày thì phải thanh toán cho người ta như nội trú mới được. Bệnh viện đã trình cho bảo hiểm y tế giải quyết và đang chờ", bác sĩ Minh nói.

Với việc thay đổi này, bác sĩ Võ Đức Chiến – Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phân tích: "Bây giờ, bệnh nhân phải bỏ 100% phí khám chữa bệnh ngoại trú, mọi việc chúng tôi đang ghi nhận. Ở góc độ tâm lý người bệnh, họ cảm thấy thiệt thòi, nhưng ở góc độ quản lý nếu cứ để như cũ thì sẽ không bao giờ nâng cao tuyến y tế cơ sở".

Đồng ý với nhận định rằng, việc cắt bỏ 30% để người bệnh vượt tuyến trở về khám chữa bệnh ban đầu, đây cũng là lộ trình mà Bộ Y tế thực hiện trong việc nâng cao tuyến y tế cơ sở. Rõ ràng, đây là sự thay đổi lớn, nhưng lại được thực hiện quá cập rập, chỉ trong thời gian ngắn, nên tất yếu sẽ gây sự hoang mang, bất bình cho bệnh nhân.

Thêm vào đó, nếu nói nâng cao tuyến y tế cơ sở thì đề án này đã thực hiện từ lâu, thế nhưng vì sao thời gian qua, người dân vẫn bấm bụng xé rào vượt lên tuyến trên khám dù trước ngày 1/1/2015 họ vẫn phải chi trả 70%...đó là câu hỏi lớn mà chúng ta vẫn chưa trả lời thỏa đáng cho bệnh nhân.

Vấn đề là cho tới thời điểm này, tuyến y tế cơ sở vẫn chưa thể làm người bệnh an tâm và họ vẫn phải lên tuyến trên điều trị.