Bệnh Sởi có dấu hiệu chững lại

(VOH) - Cho đến nay, TP.HCM chưa có ca sởi nào gây tử vong. Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đều có giải pháp điều trị tốt, chuyên môn cao. Đặc biệt các bệnh viện điều trị hiệu quả các ca bệnh nặng có biến chứng, không để tử vong.

Từ năm 2009 đến hết năm 2013, cả nước chỉ có 4 ca tử vong do sởi, nhưng chưa đầy 4 tháng đầu năm 2014 tới nay đã có 112 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng liên quan, trong đó có 25 trẻ được xác định là tử vong hoàn toàn do sởi.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, từ đầu năm đến nay có 2.115 bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi. Trong đó có 200 ca có biến chứng viêm phổi nặng phải nằm phòng hồi sức cấp cứu. Tình hình tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ngoài bệnh nhân sởi trẻ em, nơi đây tiếp nhận cả trường hợp mắc sởi là người lớn. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh viện cũng đã thực hiện cách ly bệnh nhân sởi và theo từng phòng tùy mức độ nặng nhẹ: "Tình hình bệnh sởi tại BV Bệnh Nhiệt đới trong 2 tuần này có giảm, bệnh viện tiếp nhận điều trị 843 bệnh nhân, trong đó 30% là người lớn trên 15 tuổi. Trường hợp bị biến chứng thì được điều trị bằng oxy, chỉ có một trường hợp phải thở máy. Về trang thiết bị thì BV có đầy đủ máy để tiếp nhận bệnh nhân sởi cũng như bệnh nhân sởi nặng. Máy thở của BV được cung cấp phục vụ cho chương trình điều trị dịch bệnh. Bệnh viện cũng phổ biến cho các nhân viên trong bệnh viện cùng với Nhi đống 1 và Nhi đồng 2 tập huấn phác đồ điều trị bệnh sởi mới của Bộ Y tế mới ban hành".

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca bệnh vẫn tăng liên tục qua 3 tháng đầu năm. Hiện số ca nội trú chiếm 60% tổng số ca mắc sởi. Trong đó, 11% ca biến chứng viêm phổi. Trong đó bệnh nhi ở TP.HCM chiếm khoảng 60%; còn lại 40% là bệnh nhi từ các tỉnh khác đến. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, chỉ có 2% bệnh nhi mắc bệnh sởi đã được tiêm chủng đầy đủ. Còn 98% còn lại chỉ tiêm được 1 mũi đầu. Chính những bà mẹ có con đang điều trị bệnh sởi tại các bệnh viện mà chúng tôi tiếp xúc cũng thừa nhận: “Lúc nhỏ có chích nhưng mà không nhớ rõ là có chích sởi chưa, tại mình đi làm lu bu quá nên không có dành thời gian theo dõi là mình chích đầy đủ mũi hay chưa nữa. Thằng nhỏ còn chích ngừa ít hơn thằng lớn”. “Lúc 9 tháng có chích một lần nhưng đến nay chưa có chích lại liều nhắc”. “Tới ngày chích ngừa thì nó bệnh nên không có đi chích được, nó bệnh suốt từ lúc 9 tháng đến nay nó 11 tháng rồi. Đến bác sĩ nói bệnh nên bác sĩ không chịu chích”.


Bệnh nhi điều trị Sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: TTO

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bố trí riêng 2 phòng bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi để cách ly hoàn toàn khoa Nhiễm. Đồng thời bố trí gần 150 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân tới điều trị. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo thì để giảm các ca mắc sởi mới chỉ có một cách: Đối với bệnh sởi hiện nay muốn giảm ca mắc và bảo vệ con em mình thì phải chích ngừa đối với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Còn với trẻ dưới 9 tháng thì bảo vệ bé bằng cách người lớn khi ra môi trường bên ngoài về thì phải rửa tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với em bé. Không cho trẻ chơi với trẻ mắc bệnh. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng...".

Cho đến nay TP.HCM chưa có ca sởi nào gây tử vong. Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đều có giải pháp điều trị tốt, chuyên môn cao. Đặc biệt các bệnh viện điều trị hiệu quả các ca bệnh nặng có biến chứng, không để tử vong. Một số mô hình cũng đã khám sàng lọc trước khi đưa vào điều trị. Tuy nhiên,  Bộ Y tế khuyến cáo sởi cũng cần cách ly như cúm, người nhà bệnh nhân giữ phòng bệnh thông thoáng, rửa sạch tay chân tránh lây nhiễm bệnh sởi, và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và bệnh viện trong phòng tránh lây chéo, nhiễm khuẩn tại bệnh viện.

.