Bệnh viện Thống Nhất kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Nguyễn Thiện Thành

(VOH) - Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, trên cương vị Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển.

Sáng 5/10, Bệnh viện Thống Nhất long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Tiến sĩ, Anh Hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thiện Thành (30/9/1919 – 30/9/2019), vị giám đốc đầu tiên của bệnh viện.

Buổi lễ kỷ niệm có sự tham dự của lãnh đạo các ban ngành, bà Dương Thị Minh - phu nhân của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành; Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân - con trai Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, cùng đại gia đình, các thế hệ lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất, thế hệ học trò, đồng nghiệp, những người đã từng làm việc và chiến đấu với ông...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Mẹ (bà Dương Thị Minh) tại lễ kỷ niệm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Mẹ (bà Dương Thị Minh) tại lễ kỷ niệm.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã trực tiếp tham gia những giai đoạn khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, trên cương vị Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển.

Ngoài cương vị quản lý, Giáo sư luôn chú trọng công tác giáo dục đào tạo, thường xuyên viết sách, tài liệu nhằm phổ biến kiến thức y học đến với nhân dân. Giới khoa học luôn ghi nhớ ông đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spiruina - tảo xoắn xanh của Việt Nam có tác dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Nguyễn Thiện Thành

Phó Giáo sư Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, là đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Năm 1985, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 1989, ông tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc Nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một quá trình phấn đấu liên tục, cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y tế quân đội và y tế nhân dân.