Bí thư Đinh La Thăng: Kết nối giao thông trước mới tính liên kết vùng

(VOH) - Tại hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại TPHCM vào sáng 18/8 với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phía Nam: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh:

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với các lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 8 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam về kết nối giao thông.

"Muốn kết nối vùng, trước hết phải kết nối giao thông. Giao thông có xuyên suốt giữa các tỉnh, thành thì mới tiết kiệm được thời gian, chí phí, nhân lực. Việc thực hiện kết nối này chính là yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế vùng".

Mở rộng kết nối giao thông

Theo Bí thư Đinh La Thăng, TPHCM hội đủ các điều kiện, lợi thế để phát triển dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, liên kết vùng còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy được tiềm lực, hệ thống quản lý đô thị và liên kết vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội.

Nhiều nơi quy hoạch theo chức năng và không gian nhưng chưa thực sự giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Chưa có cơ chế điều hành nên chưa có giải pháp phù hợp, dẫn đến các vấn đề của vùng giải quyết phân tán, manh mún và theo lợi ích của từng địa phương.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: Giao thông có xuyên suốt giữa các tỉnh, thành, thì kết nối vùng mới phát triển.

Từ đó, Bí thư Thành ủy cho rằng, vấn đề kết nối là rất quan trọng trong đó có kết nối cứng và mềm.

Phần cứng là về hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông, năng lượng, logictics kể cả về liên kết phòng chống tội phạm. Kết nối mềm là thể chế chính sách được liên thông trong vùng.

“Chúng ta phải xây dựng được cơ chế, làm sao phát huy được quy hoạch phân bổ lượng sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ chế điều phối với các địa phương trong vùng dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Chính phủ, chứ không phải luân phiên các chủ tịch tỉnh làm.

Đồng thời, đề xuất, cập nhật lại các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng, trong đó có từng địa phương để đề xuất, sửa đổi cho phù hợp, trong đó có cập nhật về vấn đề giao thông vận tải”, Bí Thư Đinh La Thăng đề nghị.

TPHCM đảm nhận xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến kết nối trong giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo trên địa bàn. Trong quá trình triển khai đầu tư các dự án kết nối TPHCM và các tỉnh, các dự án do địa phương đầu tư, TPHCM sẽ đảm nhận phần xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính, các tỉnh sẽ đảm nhận xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh mình.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường đề xuất phương án  đầu tư các dự án kết nối TPHCM và các tỉnh.

Đối với các dự án kết nối bằng cầu vượt, cầu qua sông, TPHCM đảm nhận xây dựng chính, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, các tỉnh sẽ đảm nhận chi phí xây dựng các hạng mục kết nối cùng với chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ông Cường cũng đề xuất các tỉnh cần phối hợp với Bộ GTVT rà soát điều chỉnh quy mô phù hợp với thực tế, với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác mà Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, đề nghị các tỉnh quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích đối với quỹ đất xây dựng, bố trí quỹ đất để phát triển đồng bộ hệ thống hạn tầng giao thông kết nối.

Theo ông Cường, đối với đường sắt đô thị kết nối với Bình Dương cũng sớm lập kế hoạch đầu tư để kéo dài xây dựng với khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ chờ kết nối với ga cuối của tuyến đường sắt số 1.

Riêng hệ thống cảng kết nối với tỉnh Bình Dương, cần tập trung khai thông hai luồng của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Trước đó, Bình Dương cũng kiến nghị với tập trung tháo gỡ cho đường thủy nội địa. Riêng với Tây Ninh thì tập trung xây dựng đường cao tốc đi Mộc Bài, đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến quốc lộ 22.  

Đối với tỉnh Long An và Tiền Giang, đường bộ cũng tập trung Vành đai 3, 4, ưu tiên Bến Lức - Hiệp Phước, đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 cho đồng bộ. Hiện nay, Quốc lộ 1 ở phía Nam đang đầu tư mở rộng 35 m theo hình thức BOT, riêng tỉnh Long An, Tiền Giang chưa có dự án, do đó, cần đầu tư những hạng mục này để hệ thống giao thông đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Trình – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu một số khó khăn về giao thông của Cảng Cái Mép của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – đây là cảng trung chuyển của quốc gia.