Bình luận: Quản lý y tế đâu là hướng đi bền vững?

(VOH) - Độ chênh quá lớn giữa điều trị và dự phòng đã đẩy cục diện y tế ngày càng xoay chuyển lệch hướng.

Gánh nặng bệnh tật với chi phí điều trị ngày càng đổ dồn vào quỹ bảo hiểm y tế, trong khi đó, nhiều cảnh báo đưa ra nếu cứ tiếp tục kéo dài, quỹ này sẽ có nguy cơ vỡ. Dự phòng chưa đủ mạnh, chất lượng giống nòi chưa cao, mô hình bệnh tật thay đổi khiến chiếc túi điều trị ngày một căng phồng.

Bình luận: Quản lý y tế đâu là hướng đi bền vững?

Bác sĩ điều trị chỉ được đào tạo, nghiên cứu về cơ thể con người, không học về cấu trúc xã hội.

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế  - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin với báo chí, tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 là rất lớn, nếu không có giải pháp căn cơ, thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ không đủ khả năng chi trả.

Cũng theo báo cáo từ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 8 tháng qua, cả nước đã có hơn 100 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với, chi phí thanh toán gần 52.000 tỷ đồng, so với năm 2016 thì lượt khám và chi phí thanh toán đều tăng.Tại sao bệnh tật ngày càng tăng và bảo hiểm y tế ngày càng nặng gánh như thế? Nếu cho rằng nguyên nhân khách quan đến từ mô hình bệnh tật, môi trường, lối sống  thay đổi thế nhưng, trong các nguyên nhân, ngành y tế đã nỗ lực, dốc hết sức cho dự phòng hay chưa? Đơn cử với dịch bệnh sốt xuất huyết, vì sao dịch bệnh lưu hành quanh năm mà không khống chế được? Để rồi khi bệnh tăng, bệnh viện quá tải, bảo hiểm y tế phải gồng ra chi trả cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tính ra, chi trả cho điều trị bệnh lớn gấp nhiều lần so với việc mua thuốc, hóa chất diệt muỗi phòng bệnh từ xa.

Ngành y tế đã không tính trên chiều dài toàn cục, phân bổ kinh phí không hợp lý nên y tế chỉ loay hoay giải quyết phần ngọn với những bài toán muôn thuở như quá tải, bệnh tăng,chất lượng khám chữa bệnh chưa như mong muốn, thời gian khám bệnh quá ít chưa kể đến những tai biến y khoa... Cũng cần nhớ rằng, bác sĩ điều trị chỉ được đào tạo, nghiên cứu về cơ thể con người, không học về cấu trúc xã hội. Trong khi bác sĩ dự phòng nghiên cứu về dịch tễ, về các phương pháp giúp cộng đồng chủ động phòng bệnh nhưng khi ra làm lương không đủ sống. Do vậy, xu thế của bác sĩ chỉ thích chọn vào hệ điều trị. Nhìn trên tổng thể phân tích, thì quản trị bệnh viện chỉ là khâu cuối cùng của ngành y tế, là chốt chặn sau cùng giải quyết bệnh tật. Tuy vậy, người dân cũng chưa nhìn ra cốt lõi vấn đề để khi đổ bệnh thì vái tứ phương, dù bán nhà, bán đất cũng phải bằng mọi giá trị bệnh trong khi với người cán bộ y tế dự phòng, vất vả giúp người dân chủ động phòng bệnh nhưng nhiều gia đình tỏ ra thờ ơ, thiếu thiện chí hợp tác, thậm chí không cho vào nhà phun thuốc.

Chính tâm lý và cách nhìn còn phiếm diện từ phía người dân cũng góp phần đẩy “cán cân y tế” ngày càng lệch xa. Suy cho cùng, chú tâm và làm tốt công tác dự phòng sẽ giúp ngành y tế nhìn ra được nguồn gốc bệnh tật, giúp cộng đồng phòng bệnh, không đợi “nước tới chân mới nhảy”. Nếu kéo dài như thế này, thì quá tải là câu chuyện không hồi kết khi bệnh tăng, mà bệnh viện thì có hạn, các nỗ lực giảm tải của ngành y tế e rằng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đang có một thực tế ở sự phân bổ quyền lợi không hợp lý, không đúng theo chức năng trong hệ thống bảo vệ sức khỏe, chỗ nào càng dễ kiếm tiền thì càng được khuyến khích bung ra, càng nở nồi. Tréo ngoe ở chỗ, cứ càng đổ dồn vào, đến lúc nào đó sẽ bị vỡ đúng như dự báo của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Sẽ là một vòng lẩn quẩn không lối ra. Còn rất nhiều bất cập mà nguồn gốc do chỉ nhìn một cách phiến diện và ngắt khúc, không đánh giá trên phạm vi tổng thể hài hòa. Trong quản lý y tế, hướng đến sự bền vững thì chỉ có cách Bộ Y tế hãy nhìn, phân tích từ gốc vấn đề. Quan trọng nhất phải xác lập một cái nhìn đúng về vai trò dự phòng trong hệ thống y tế, tăng chi cho dự phòng bằng nhiều cách như đưa toàn bộ hoạt động dự phòng vào bảo hiểm y tế, hay có thể  xã hội hóa lĩnh vực này cốt làm sao việc phòng bệnh thực sự hiệu quả… Và người bác sĩ dự phòng phải sống được với nghề để họ tận tâm cống hiến chứ không phải rơi vào trạng thái làm cho xong việc. Sự cân đối, thậm chí ưu tiên cho dự phòng được xem là quản lý thông minh và bền vững.