Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội

(VOH) - Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 2 ngày rưỡi và yêu cầu các đại biểu chất vấn và bộ trưởng trả lời chất vấn đi vào trọng tâm là trách nhiệm của các trưởng ngành trong lĩnh vực của mình.

Trong trường hợp cần tranh luận, các đại biểu có thể giơ bảng tranh luận. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết nhằm nâng cao năng lực điều hành thi hành nghị quyết của Quốc hội và có cơ sở để các đoàn ĐBQH giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội triển khai tinh thần làm việc của phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Căn cứ vào quy định của Luật, cách thức tiến hành chất vấn được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy các nhóm vấn đề làm trọng tâm. Nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý điều hành của ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời. Việc chất vấn và trà lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống 1 cách thiết thực, hiệu quả nhất và đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân mong mỏi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trong phiên làm việc sáng nay. Nội dung chất vấn ngành Công Thương xay quanh: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Là đại biểu đầu tiên tham gia chất vấn, ông Nguyễn Tiến Sinh – đoàn Hòa Bình nêu vấn đề: "Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội, chính phủ để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại DN Nhà nước, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như thời gian qua trong công tác quản lý của Bộ công thương".
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đối với quản lý DNNN cần có đổi mới mô hình quản trị, cũng như thực hiện chức năng QLNN đối với các nguồn vốn thuộc sở hữu NN. Trung ương đã cho ý kiến và chính phủ chỉ đạo tiếp tục xây dựng mô hình này. Thứ 2 là cần xác định và làm rõ khung pháp lý cũng như chủ trương phát triển,…quan điểm là không phải trong tất cả các lĩnh vực, nhà nước đều phải có vai trò, mà cần tiếp tục tạo ra cơ hội thị trường trong sản xuất kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế khác, trên cơ sở tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh và sản xuất bình đẳng, công khai minh bạch, đảm bảo khai thác được các nguồn lực sản xuất, tạo điều kiện cho các nguồn lực này đóng góp vào sự phát triển chung của nhà nước.