Cấm báo chí quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án

(VOH) – Một điểm mới Luật Báo chí năm 2016 là cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.

Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 (Ảnh: Quốc Minh)

Sáng nay 28/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 cho lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình khu vực phía Nam.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu Luật Báo chí năm 2016. Luật gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí

Công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in.

Về quyền tác nghiệp của báo chí, luật quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Luật quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Luật cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Cải chính nghiêm túc

Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện trong thời hạn 2 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm.

Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì phải có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất; Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.

Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.

Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.

Xử lý vi phạm

Luật bổ sung quy định mới về xử lý vi phạm như: Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, chuyên trang của báo điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin vi phạm quy định tại điều 9 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong luật, Luật Báo chí 2016 còn bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, luật bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học; bệnh viện từ cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên.

Luật Báo chí 2016 quy định cụ thể hơn lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng 2 Nghị định, 2 Thông tư thực hiện Luật Báo chí năm 2016.

Cũng tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng Đề án quy hoạch báo chí của Bộ đang có một số điểm mâu thuẫn với Luật Báo chí 2016. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng mâu thuẫn là điều bình thường, sắp tới sẽ điều chỉnh cho phù hợp.