Cần định hướng đúng về thực phẩm chức năng

(VOH) -Trong 10 năm trở lại đây, thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển với số lượng được công bố và mức tiêu thụ của người tiêu dùng đã tăng lên nhanh chóng. Song, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam chưa rõ ràng, dẫn đến những bất cập. Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm, chủ yếu là lập lờ nhằm để người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa được những chứng bệnh, thậm chí là nan y. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng tìm mọi cách để các bác sĩ là người trung gian đưa sản phẩm của họ đến người dùng, kể cả tư vấn trên báo chí, trích hoa hồng giới thiệu thật cao… Như vậy trong điều kiện hiện nay, với thực phẩm chức năng, nếu dùng chưa đúng, hiểu chưa đúng, phải có sự tư vấn của các chuyên gia, thậm chí của bác sĩ.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế (Ảnh: Dantri)

Các cụ có câu "cơm ba bát, thuốc ba thang” để hướng dẫn người bệnh, cho nên sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn là quan trọng để tránh hiểu lầm gây thiệt hại cho nhà sản xuất cũng như làm lãng phí nguồn thực phẩm có giá trị của Việt Nam. Đề cập đến vấn đề này, phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế:

* Thưa ông, ông có nhận định như thế nào về tác dụng của TPCN tại thị trường Việt Nam hiện nay ?

- Ông Nguyễn Thanh Phong: Chúng ta biết khái niệm về TPCN đã được luật hóa tại luật An toàn thực phẩm, đó là các sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Như vậy rõ ràng là TPCN có tác dụng hết sức to lớn trong việc nâng cao sức khỏe cũng như dự phòng bệnh tật. 

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả việc chúng ta quản lý có những nội dung còn chưa chặt chẽ cũng như thị trường TPCN bùng nổ cho nên là một số đơn vị thực hiện chưa tốt, chưa đúng cho nên dẫn đến tình trạng là có những chỗ "thần thánh hóa" TPCN nhưng lại có những chỗ thì tẩy chay. Hai quan niệm đó đều không đúng với bản chất của TPCN, các lỗi vi phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng về TPCN, đặc biệt là quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan y tế thẩm định hoặc là quảng cáo không được sự thẩm định của cơ quan y tế. Từ thực tế như vậy dẫn đến việc có những người sử dụng phải TPCN mà không đáp ứng được yêu cầu mong muốn của mình dẫn đến việc tẩy chay thì tôi cho rằng những quan niệm như vậy thì sắp tới cần phải định hướng lại trong thời gian tới. 

Như tôi đã nói, TPCN có tác dụng hết sức to lớn trong việc dự phòng và nâng cao sức khỏe bệnh tật. Từ đó ngoài việc đem lại sức khỏe cho cộng đồng còn góp phần giảm tải các bệnh viện mà hiện nay chúng ta đang trong tình trạng quá tải. Đặc biệt đối với nước ta có nền y học cổ truyền lâu đời rồi, nhất là sự ưu đãi của thiên nhiên để chúng ta phát triển nguồn dược liệu trong nước về động vật, thực vật để sản xuất TPCN. Các yếu tố đó nếu chúng ta phát triển tốt thì sẽ là điều kiện tốt để chúng ta phát triển ngành TPCN từ đó góp phần làm giảm giá thành để đại đa số người dân có thể tiếp cận với TPCN này.

* Như ông vừa cho biết thì với tác dụng to lớn của TPCN cũng như sự ưu đãi của thiên nhiên trong nền y học cổ truyền của Việt Nam, theo đánh giá của ông nếu như thị trường Việt Nam phát triển mặt hàng TPCN thì sẽ có đóng góp như thế nào cho nền kinh tế nói chung và ông có thể cho một con số cụ thể ?

- Ông Nguyễn Thanh Phong: Ví dụ như doanh số của TPCN năm 2000 thì mới chỉ 28 tỷ USD, đến năm 2007 là 67 tỷ nhưng đến năm 2010 thì đã lên đến 167 tỷ và bình quân mỗi một năm tăng từ 10% đến 16%. Đây là một thị trường hết sức có tiềm năng phát triển kinh tế y tế, kinh tế dự phòng, kinh tế TPCN. Thế nếu như chúng ta kết hợp được các lợi thế của chúng ta vì chúng ta có nền y học cổ truyền rất phát triển và cái thứ hai là chúng ta có điều kiện rất lớn để phát triển nguồn nguyên liệu, chúng ta kết hợp được các yếu tố đó thì chúng ta sẽ phát triển được ngành công nghiệp TPCN. 

TPCN không chỉ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe của người dân nhưng đồng thời cũng là điều kiện để phát triển kinh tế. Tôi cho rằng đây là tiềm năng rất lớn nếu chúng ta kết hợp được. Tuy nhiên, việc quản lý phải đưa ra các văn bản làm sao để việc đầu tiên là phải bảo vệ được quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng và yếu tố thứ 2 là phát triển kinh tế chúng ta đưa ra một chính sách gì một văn bản quản lý như thế nào để tao hành lang cho các doanh nghiệp phát triển trên cơ sở pháp lý ấy và vừa phát triển sản xuất vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là yêu cầu bắt buộc mà chúng ta đã và sắp ban hành trong thời gian tới.

* Hiện tại có hơn 10.000 TPCN đang lưu hành ở Việt Nam, theo đánh giá của ông thì tỷ lệ % của những loại có tác dụng và những loại ăn theo mà không có tác dụng mấy là như thế nào?

- Ông Nguyễn Thanh Phong: Thực ra thì không thể nói là cái sản phẩm ăn theo vì sản phẩm nào khi được lưu hành cũng có tác dụng nhất định của nó, vấn đề ở đây là tác dụng 1 mà anh lại quảng cáo thành 10. Mà tôi cũng xin nói thêm là ở Việt Nam mới có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN nhưng trên thế giới con số về số liệu mới nhất khoảng 50.000 TPCN khác nhau. Vì vậy ở Việt Nam chúng ta số lượng TPCN đang lưu hành chỉ mới khoảng 20% các loại TPCN đang lưu hành trên thế giới và chúng tôi cũng thấy rằng có một thực tế rất nhiều cán bộ công chức và kể cả người dân của chúng ta khi ra nước ngoài thì ngoài việc mua sắm các hàng hóa thông thường thì có một lượng kinh phí rất lớn mà chúng ta bỏ ra mua TPCN của các nước khác mang về, thế tại sao chúng ta không nghĩ đến việc chúng ta phát triển sản xuất trong nước để tận dụng được ngoại tệ để làm sao chúng ta phát triển được sức lao động, tận dụng nguồn nguyên liệu, phát triển kinh tế xã hội của chúng ta, đó là điều mà chúng ta cần phải nghĩ trong thời gian tới.

* Xin cám ơn ông.