Cần giao cho DNNN huy động vốn đầu tư Dự án sân bay Long Thành

(VOH) - Chiều 24/10, tiếp tục chương làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, thảo luận ở tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Các đại biểu nhất trí cho rằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý; cần giao cho doanh nghiệp Nhà nước để có điều kiện huy động vốn đầu tư.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương 111.000 tỷ đồng. Gồm 4 hạng mục: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư và cho thuê lại. Các hạng mục thiết yếu như đường lăn, sân đỗ,... giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Việc giao cho doanh nghiệp Nhà nước để có điều kiện huy động vốn đầu tư là hợp lý.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, quá trình thi công giai đoạn 1 từ năm 2020 – 2025 để đưa vào khai thác, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có sự đầu tư quan tâm để triển khai nhanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất song hành với quá trình thực hiện giai đoạn của sân bay Long Thành. Đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi việc triển khai giải phóng mặt bằng dự án còn chậm: "Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 8 năm nay thì việc giải phóng mặt bằng mới có 233 tỷ trong tổng vốn đầu tư được duyệt năm 2019 – 2019 là 11.490 tỷ. Nếu nỗ lực hết sức thì hết năm nay sẽ được thực hiện được 1.176 tỷ, chiếm 15,4% tổng vốn được phân bố. Việc chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến giá cả đất đai đền bù...".

Về bổ sung thu hồi đất phục vụ 2 tuyến giao thông kết nối, các đại biểu đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để thi công nhanh 2 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53 của Quốc Hội.

Xung quanh phương án huy động vốn, đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công. Mặt khác, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Đại biểu Phạm Phú Quốc nói: "Chúng ta phải thẩm định và tính toán như thế nào để tổng vốn đầu tư thực sự hiệu quả nhất. Vấn đề quan ngại nhất là tổng vốn".

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Việc đầu tư Hồ Kapet sẽ mang đến lợi ích trên các mặt: Cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam. Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và Thành phố Phan Thiết. Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường: giảm lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và Thành phố Phan Thiết; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua Thành phố Phan Thiết góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Theo các đại biểu, việc xây dựng hồ chứa nước lớn, trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam với các mục tiêu như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội;tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; hạn chế tình trạng di dân tự do, tạo ổn định xã hội, đảm bảo an ninh trật tự khu vực này; cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực lân cận, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ của Tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nêu ý kiến: "Vấn đề nước là hết sức quan trọng, nước đối với khu vực miền trung và miền nam nói riêng ảnh hưởng đến đời sống của người dân Ninh Thuận và Bình Thuận. Thực sự mà nói, với dung lượng của hồ nước chỉ giải quyết 1 phần sự khát nước của Bình Thuận. Nếu có được hồ này thì rất quý, tôi ủng hộ cao dự án này".