Cần khắc phục những bất cập trong thủ tục xuất nhập cảnh

(VOH) - Tính đến tháng 6/2013, đã có hơn 14.000 dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó, hơn 11.000 dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Lợi nhuận thu về từ các dự án này là rất lớn, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trong nước. Công nghệ, máy móc theo đó cũng được nâng cấp, cải tiến, tăng tính cạnh tranh… Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, song vẫn còn đó những quy định không còn phù hợp mà nếu không kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thay thế thì sẽ trở thành rào cản đối với các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hướng dẫn người dân làm hộ chiếu, visa tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh: SGGP

Ban hành từ năm 2000, Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đến nay đã có một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Trong tờ trình của Chính phủ về Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài vừa được báo cáo tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc Hội khóa XIII đã phân tích rõ những bất cập, không thống nhất trong quá trình thực thi Pháp lệnh. Đồng thời, nội dung tờ trình cũng nhấn mạnh sự cần thiết nâng lên thành Luật để làm cơ sở nền tảng cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam nhằm mục đích tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập, lao động, nghiên cứu khoa học...

Theo ông Phạm Như Minh - thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, một trong những điểm mới trong Dự thảo là đã khắc phục được tình trạng “thị thực không được chuyển đổi mục đích” đối với người nước ngoài vào Việt Nam, nhằm tránh tình trạng một số người nước ngoài lợi dụng kẽ hở để chuyển đổi mục đích khác, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt thì được bổ sung mục đích như: lưu học sinh vào Việt Nam học tập được kết hợp làm thêm, hoặc thân nhân của những người nước ngoài là thành viên của cơ quan thường trú tại Việt Nam có nhu cầu cũng được phép tìm kiếm việc làm.

Ngoài ra, một điều khoản mới trong dự thảo Luật lần này cũng quy định thêm, người nước ngoài muốn vào Việt Nam lao động phải được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về lao động cấp giấy phép, sau đó cơ quan chức năng  mới cấp visa cho nhập cảnh. Quy định này nhằm khắc phục những bất cập mà lâu nay chúng ta đang vướng mắc và mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Ông Phạm Như Minh cho rằng, nỗ lực của các thành viên trong Ban soạn thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua là rất lớn: "Xây dựng dự thảo Luật này, chúng tôi cũng đã nghiên cứu các dự thảo Luật của các nước trong khu vực. Đồng thới, nghiên cứu tất cả những hệ thống Pháp Luật của các nước khác có liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh. Chúng tôi đã kế thừa những quy định còn có giá trị và phù hợp của Pháp lệnh năm 2000, và bổ sung những quy định mới nhằm hạn chế những bất cập".

Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy Dự thảo Luật lần này đã kịp thời tiếp thu và sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, dù đã nghiên cứu kỹ, dự thảo cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP, thời gian qua, không chỉ tại TPHCM mà ở các tỉnh - thành trên cả nước đã phát sinh tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đã trốn về nước mà chưa trả lương cho người lao động. Trong khi đó, người lao động bị nợ lương không biết bấu víu vào đâu: "Hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài tạm trú tại  VN bỏ trốn. Do đó, Liên Đoàn Lao động TP cũng đề nghị xem xét lại  quy định tạm trú của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ở các khu chế xuất, khu công nghiệp; đồng thời, quy định lại việc cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở khu công nghiệp, khu chế xuất".

Đối với lĩnh vực cấp thị thực, đơn vị liên quan trực tiếp là Bộ đội Biên phòng TP, trong quá trình giải quyết về thủ tục đã gặp phải những quy định bất hợp lý cần phải điều chỉnh. Ông Đào Quốc Hoàng - Đội trưởng Đội thủ tục Biên phòng TP đơn cử, trong dự thảo Luật thị thực Việt Nam quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn tối đa là 5 năm. Theo ông Hoàng, các quy định này chồng chéo, không thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú, gây khó khăn đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, hợp tác đầu tư, học tập.

Phân tích thêm về ký hiệu thị thực của Việt Nam, ông Hoàng cho hay, trước đây quy định có 10 ký hiệu thị thực, phân loại các mục đích xuất nhập cảnh khác nhau, tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại phân loại các mục đích nhập cảnh tương ứng với 27 ký hiệu thị thực. Việc phân loại chi tiết sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý doanh nghiệp nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng sẽ gây khó khăn cho người nước ngoài khi làm thủ tục xin thị thực. Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường, đầu tư làm ăn, nhưng nếu thủ tục quá chi tiết, rườm rà, sẽ khiến nhà đầu tư ngán ngại. Và một vấn đề lâu nay cũng gặp phải không ít vướng mắc, đó là việc cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế khi tàu thuyền nước ngoài đến cảng vào các ngày nghỉ, ngày lễ, hoặc tàu chỉ lưu đậu ở cảng trong thời gian ngắn. Khi thuyền viên nước ngoài có nhu cầu rời cảng đột xuất để hồi hương vì nhiều lý do, thì doanh nghiệp phục vụ hàng hải không thể giải quyết thủ tục, duyệt nhân sự để nhận thị thực vì vướng quy định. Ông Đào Quốc Hoàng nhận định: "Tôi là người trực tiếp làm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh. Với quy định đưa vào Luật, giữa việc nhập cảnh phải  cách trước 1 tháng, như vậy có khó khăn quá không. Việc quản lý này là do cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh kiểm soát. Và tất cả hành trình này đều thể hiện trên hộ chiếu. Chúng tôi là người làm công tác xuất nhập cảnh, chúng tôi nhìn hết hành trình đã trình bày trên hộ chiếu, và tôi có thể phát hiện chứng tỏ anh này liên tục như thế này, thì rõ ràng, tôi sẽ báo cáo lên  trên đình chỉ không cho anh nhập cảnh nữa. Chúng ta xử lý theo nghiệp vụ,  vì, hộ chiếu chúng ta thể hiện hết hành trình mà. Cho nên tôi đề nghị xem xét lại, chớ cái này mà đưa vô Luật thì căng quá không".

Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng cũng đã đề xuất nên quy định mở rộng đối với việc cấp thị thực tại cửa khẩu cảng biển. Nghĩa là, được phép cấp thị thực nhập cảnh mà không yêu cầu có công văn duyệt nhân sự với thời gian lưu trú không quá 72 giờ đối với đối tượng thuyền viên người nước ngoài có nhu cầu rời tàu, xin nhập cảnh vào cửa khẩu cảng biển VN để xuất cảnh sang cửa khẩu hàng không về nước.

Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khi được Quốc hội thông qua và ban hành, ngoài việc thể hiện quan điểm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì vẫn phải đảm bảo được yếu tố an ninh quốc gia. Đồng thời, văn bản Luật ban hành phải tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Có như vậy mới tạo được một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam.