Cần làm rõ nhiều vấn đề trong năm 2016

(VOH) - Trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã bàn về các tờ trình giải quyết nợ xấu, tình hình kinh tế xã hội, thu chi ngân sách nhà nước năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Tại buổi thảo luận ở tổ, đoàn đại biểu TPHCM góp ý về việc thay đổi phương pháp thảo luận tình hình kinh tế xã hội giai đoạn giữa năm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là kỳ họp quan trọng thảo luận về tình hình kinh tế xã hội quý 1 và 2 tháng của quý 2 năm 2017, có nhìn lại việc bổ sung cho năm 2016 do đó Ủy ban thường vụ Quốc hội nên đề nghị đại biểu lựa chọn vấn đề trong thảo luận để tập trung, không dàn trải.

Theo bà Tâm, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng hay 4 tháng, giải pháp, mục tiêu nhiệm vụ cũng có rồi, đã thông qua trong kỳ họp vừa rồi. Sau thời gian thực hiện, so với Nghị quyết của Quốc hội đặt ra có vấn đề gì nổi lên cần phải bàn, có tình hình gì mới về dự báo ? So với mục tiêu, chỉ tiêu thì thực hiện thấy có vấn đề gì phải điều chỉnh, cần thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Từ ý kiến đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong báo cáo cáo có nhiều vấn đề lặp đi lặp lại, trong khi chưa nhìn nhận và chỉ rõ việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2016 có sự việc nào còn tồn tại mà Chính phủ chưa thực hiện được để từ đó tìm nguyên nhân và cách khắc phục cho năm 2017.

Bà Lan dẫn chứng, sự cố môi trường do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung năm 2016, mức độ thiệt hại chưa từng có cho các tỉnh miền Trung. Thế nhưng, trong báo cáo năm 2016 chưa tương xứng. “Tôi đề nghị trong báo cáo Chính phủ phải làm rõ vấn đề này”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có tác động đến nhiều lĩnh vực, từ thủy sản, du lịch, công nghiệp… ảnh hưởng không riêng các tỉnh miền Trung mà cho nền kinh tế cả nước. Tự sự cố đó đã đặt ra những thách thức mới về quản lý môi trường của các ngành, các cấp và việc chỉ đạo sát sao, sâu sắc hơn nữa của Chính phủ trong cấp phép, kiểm định dự án đầu tư, không để xảy ra những trường hợp tương tự.

Về các biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến vai trò của kinh tế nông nghiệp, một lĩnh vực đang đóng góp 16% GDP của cả nước, nơi đang tập trung 65% dân số của cả nước với 23 triệu lao động:

“Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, vẫn là cái mà chúng ta có thể hãnh diện so sánh được với các hàng hóa khác trên thế giới. Nhưng, sự đầu tư xã hội trên lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 5% trong tổng vốn đầu tư xã hội. Cho nên, nếu khu vực này không đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến mặt bằng chung về năng suất lao động của VN rất thấp”.

Dự kiến, ngày 9/6, đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017.