Cần nhiều chính sách phát triển nhân lực ĐBSCL

(VOH) - Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách thiết thực để phát triển nhân lực khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội thảo quốc gia "Phát triển nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): từ thực tiễn đến chính sách" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia TPHCM tổ chức vào sáng 5/10, phần lớn ý kiến các đại biểu đều cho rằng cần có những chính sách thiết thực để phát triển nhân lực khu vực này.

Vựa lúa gạo nhưng nông dân thu nhập thấp

Mặc dù là vựa lúa, vựa cá, đóng góp 17% GDP cả nước, nhưng mức thu nhập của người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá thấp, với hơn 40 triệu đồng/người năm so với bình quân của cả nước đạt gần 48 triệu đồng/người/năm.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có khoảng 1,7 triệu người dân di cư ra khỏi khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gấp 2 lần mức trung bình cả nước.

Đến nay, đồng bằng sông Cửu Long vẫn được xem là vùng trũng của giáo dục khi mà tỷ lệ người dân tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có trình độ chuyên môn thấp nhất cả nước, thua cả Tây nguyên, Trung du miền núi phía bắc.

Vì vậy, theo Phó giáo sư.Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiệp, Nguyên trưởng khoa Nhân học, Đại học Quốc gia TP.HCM, việc phát triển nguồn nhân lực ở đồng bằng cần được coi là chiến lược đột phá mang tính ưu tiên.

"Tài nguyên nông nghiệp đất và nước đã khai thác rất nhiều, gần như không còn có thể mở rộng. Điều quan trọng nhất hiện giờ là nguồn nhân lực của vùng đang ở mức độ thấp, là rào cản cho sự phát triển. Nếu không tháo gỡ, kinh tế ĐBSCL sẽ phát triển chậm, không theo kịp các địa phương khác" – ông Tiệp đánh giá.

Cần đào tạo một tầng lớp “thanh nông tri điền”

Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhưng những người di cư ra khỏi khu vực này phần lớn lại là người trẻ, được đào tạo chuyên môn. Khả năng tại chỗ không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt khi lao động nông nghiệp trở nên dư thừa do quá trình tự động hoá, hiện đại hoá.

phát triển nhân lực, ĐBSCL

PGS.TS Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT 2 cho rằng cần đào tạo một tầng lớp “thanh nông tri điền”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 cho rằng, quá trình phát triển công nghiệp hoá, đã kéo rất nhiều nông dân ra thành thị nhưng không trở thành thị dân vì họ không an cư lạc nghiệp được.

Họ chỉ là công dân loại 2, không có đời sống tinh thần, làm việc trong các nhà máy khu công nghiệp với mức thu nhập thấp, điều kiện lao động xấu, buộc phải làm tăng ca để bảo đảm mức sống tối thiểu. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng quay trở về nông thôn chia lại phần đất gia đình, nên không tạo ra được nguồn cung để thực hiện tích tụ ruộng đất.

Tiến sĩ Vũ Trọng Khải phân tích thêm: "Bấy lâu nay nông dân cha truyền con nối, "lão nông" rồi mới "tri điền". Bây giờ phải đào tạo ra một tầng lớp "thanh nông tri điền" và tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thì họ mới có nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất. Họ mới đủ năng lực để quản lý các trang trại, ứng dụng công nghệ cao, có quy mô sản xuất hàng hoá lớn và mới có năng lực thành lập các HTX đích thực và quản lý có hiệu quả và quan trọng nữa là tham gia một cách công bằng trong chuỗi giá trị nông sản cùng hợp tác với doanh nghiệp".