Cần quan tâm giải quyết các chế độ sau khi người lao động về nước

(VOH) - Chiều 23/10, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trong lần thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, các Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài là du học sinh, người đi thăm thân nhân, lao động đi làm việc theo kỳ nghỉ, lao động dịch chuyển trong ASEAN để thuận lợi trong việc hướng dẫn thực hiện. Sau đó Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý theo hướng khi người lao động này kiếm được việc làm ở nước ngoài, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật nước sở tại, điều ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan, nếu họ thực hiện đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này thì sẽ được hưởng các quyền, lợi ích tương tự như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn tỉnh Đồng Tháp không nên giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo tính công bằng: “Không giao cơ quan doanh nghiệp công lập thực hiện đưa lao động nước ngoài làm phát sinh kinh phí cho nhà nước. Công việc nào doanh nghiệp làm được thì giao cho doanh nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp làm khá tốt”.

Bên cạnh việc quan tâm đến quy trình đưa lao động đi nước ngoài, Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, Đoàn tỉnh Vĩnh Long đề nghị cũng nên quy định giải quyết các chế độ sau khi lao động về nước: “Có những chính sách cụ thể để khi lao động về nước thì có thể phát huy được những kiến thức, kĩ năng trong quá trình lao động tại nước ngoài. Nếu chúng ta không khai thác được thì sẽ rất lãng phí”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình trước Quốc hội chiều 23/10. Ảnh: SGGP

Trong phần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội ông Đào Ngọc Dung thông tin lại một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề thu phí: “Chúng ta quy định toàn bộ mức thu phí vào luật này là tiến bộ. Tuy nhiên quá trình đàm phán với các nước thì có xuất hiện nhiều loại hình làm việc khác nhau. Nên bên cạnh đó có thêm Nghị định để hướng dẫn”.

Trước đó, vào buổi sáng Quốc hội đã nghe nhiều ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội xoay quanh Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Sau 14 năm thực thi chính sách pháp luật Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV phát hiện mới, số tử vong do AIDS giảm liên tục. Tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm mạnh. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: “Việt Nam là nước thứ 2 ở Châu á có luật này và được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Lần này chúng ta điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển của khoa học”.

Hôm nay 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).