Cần sớm khắc phục những bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật

(VOH) - Sáng nay, 20/8, tại phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã diễn ra phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác tham mưu cho Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, và trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ và cơ quan ngang Bộ tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến 31/7/2013.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (trái) trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ủy viên thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường). Ảnh: SGGP

Với 25 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề được đặt ra như: Chương trình xây dựng pháp luật liên tục thay đổi, nhiều Dự án luật trình Quốc hội có chất lượng kém, tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn dưới Luật, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, nhiều văn bản ban hành không phù hợp gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật nói chung.

Nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng phổ biến hiện nay là Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư, một số Luật còn nhiều sơ hở dễ bị lợi dụng cho các hành vi phạm pháp. Đại biểu Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, sự chậm trễ trong thi hành các chính sách luật gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhân dân. Đại biểu Trương Thị Mai nêu dẫn chứng:

Bày tỏ sự lo ngại với sự chậm trễ tiến độ này sẽ khó thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đại biểu Nguyễn Văn Phúc  - Ủy ban Kinh tế Quốc hội chất vấn:

Bên cạnh các vấn đề xoay quanh tiến độ và chất lượng của các văn bản pháp luật, một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu đặt ra là có hay không tình trạng tham nhũng về chính sách khi có nhiều văn bản trái với quy định của pháp luật mang lại lợi ích cục bộ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến 31/7/2013, trong tổng số 1.670 văn bản của các Bộ thì phát hiện có 172 văn bản có vi phạm, trong đó có 24 văn bản có vi phạm về nội dung, Bộ Tư pháp đang kiên quyết để sửa chữa những sai phạm về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm:

Cũng theo giải trình của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên nhân sự chậm trễ của việc ban hành các văn bản pháp luật do một số lĩnh vực luật chuyên sâu, trong khi sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành liên quan chưa được đầy đủ, có những Dự án Luật được yêu cầu sửa đổi bổ sung rồi sau đó lại thành Luật sửa đổi và trong nhiều trường hợp phải chờ tổng kết của Nghị quyết nên cần có thời gian để nghiên cứu. Về các câu hỏi của các đại biểu, bao giờ chấm dứt tình trạng chậm trễ, tồn đọng của các văn bản pháp luật, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có báo cáo bổ sung cho rằng việc này có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu, thứ hai là chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật. Ông Vũ Đức Đam cho rằng tình trạng này không thể khắc phục được trong một nhiệm kỳ, nhưng phải hết sức nỗ lực để từng bước hạn chế.

Cuối phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng tình hình xây dựng và thực thi pháp luật có nhiều cố gắng trong những năm qua, nhưng vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm, như: liên tục thay đổi bổ sung, nhiều dự án Luật chưa xác định rõ đối tượng phạm vi điều chỉnh và cả những điều kiện bảo đảm để thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân để khắc phục những hạn chế trong quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Những bất cập hạn chế trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đang đòi hỏi sự nghiêm túc, quyết tâm khắc phục của Chính Phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan. Đây là một đòi hỏi cấp bách bởi tình trạng luật pháp chồng chéo, chung chung và thiếu thực tế đã không ngừng tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.