Cần tăng cường giám sát bữa ăn học sinh trong trường học

(VOH) - Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong năm 5 gần đây, cả nước có gần 40 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học làm cho hàng ngàn học sinh phải nhập viện.

Tính trung bình mỗi năm thì có trên 6 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học, tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền  Đông Nam bộ. Xung quanh vấn đề làm thế nào để kiểm soát và quản lý bếp ăn tập thể trong trường học, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm  - Bộ Y tế.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm  - Bộ Y tế. Ảnh: antv

*VOH:  Ông có thể cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm tại trường học trong những năm qua thế nào và thường thì nó bắt nguồn từ những nguyên nhân gì?

- Ông Nguyễn Hùng Long: Theo thống kê trong những năm gần đây, những vụ ngộ độc thực phẩm chỉ khoảng 4%, với số lượng học sinh mắc chiếm 6% trong tất cả các vụ ngộ độc của cả nước, tuy nhiên phải nói ngộ độc thực phẩm trong trường học rất nhạy cảm. Học sinh do còn nhỏ nên chưa tự biết cách lựa chọn thực phẩm, chưa biết cách bảo vệ mình nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ cho các cháu.

Trường học cũng là nơi nhạy cảm với xã hội, nơi cha mẹ học sinh rất quan tâm. Cho nên dù số lượng tỷ lệ không chiếm đa số nhưng đây là nơi chúng ta phải hết sức quan tâm.

*VOH:  Để giải quyết thực trạng này, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học phải có những giải pháp nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hùng Long: Chúng ta phải phân làm hai nhóm: Một là, các trường tự tổ chức nấu thì không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về những người nấu thì phải đảm bảo sạch sẽ, tránh không để lây nhiễm chéo. Tất cả phải đạt yêu cầu như cơ sở được cấp giấy chứng nhận.

Thứ hai là, thuê các công ty vào nấu thì các công ty đó phải có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, với trường hợp trường đặt các suất ăn nấu bên ngoài rồi mang vào trường cho học sinh thì các cơ sở đó phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nói tóm lại, dù cơ sở có được cấp giấy chứng nhận hay không, dù nấu tại trường hay nơi khác mang tới thì vẫn phải đảm bảo tất cả các điều kiện theo quy định của pháp luật. Những trường nào thuê công ty không phép hay tổ chức nấu mà không có giấy chứng nhận, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng nhà trường, các cơ quan chức năng tại địa phương và cuối cùng là vai trò của phụ huynh học sinh trong giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình. Ở đây có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và y tế, cơ quan chức năng và nhà trường, và ban phụ huynh học sinh.

*VOH: Việc giám sát để công tác đảm bảo an toàn tại các bếp ăn trong trường học cũng như suất ăn cung cấp bên ngoài vào khi sai phạm sẽ xử lý như thế nào và chế tài ra sao?

- Ông Nguyễn Hùng Long: Chuyện này chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra giải pháp chung trong vấn đề giám sát. Thực thế, các cơ quan chức năng không thể ngày nào cũng có mặt ở trường học để giám sát, vì thế, chúng tôi đề nghị và đã được các trường chấp nhận là ở trường sẽ thành lập ban giám sát (có thể là cán bộ y tế, cán bộ công đoàn và thành viên của ban phụ huynh học sinh của trường và có chính quyền địa phương).

Giám sát ở đây là giám sát thành phần dinh dưỡng, kiểm tra ngay từ khu vực chế biến, sổ sách ghi chép, đầu vào,...Khi có sai phạm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà trường, nên nhà trường cần thành lập các tổ, ban giám sát. Riêng các cơ quan chức năng có thể kiểm tra định kỳ hàng tháng, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.

Về chế tài, nếu nhà trường vi phạm thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, theo nghị định 178 của Chính phủ về vấn đề này.

*VOH: Cảm ơn ông.