Cần tạo môi trường thân thiện để người nghiện an tâm điều trị

(VOH) - Để giúp người nghiện an tâm điều trị cai nghiện, dù khó khăn, TPHCM cũng phải cố gắng thực hiện.

Tính đến cuối tháng 9/2014, cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy, tăng 4 lần so với năm 1994. Người nghiện hiện cũng đã xuất hiện ở nhiều đối tượng thành phần trong xã hội: từ học sinh, sinh viên cho đến cán bộ công chức, viên chức. Riêng TPHCM số người nghiện có hồ sơ quản lý là 19.200 người, tuy nhiên con số này được xem chỉ phần nổi của tảng băng chìm, dự đoán còn khoảng 60 – 70% số người nghiện chưa thống kê được. Trong đó có đến 60% là người ngoại tỉnh không có nơi cư trú ổn định.

Kể từ ngày 5/12, TPHCM ra quân  truy quét  các đối tượng nghiện ma túy lang thang không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Đến nay, đã đưa được hơn 800 người nghiện trong tổng số gần 1.270 người nghiện vào hai cơ sở tiếp nhận Bình Triệu và Nhị Xuân. Để đưa được hết số người nghiện vào các Trung Tâm đang trở nên vô cùng khó khăn bởi thời gian gần đây người nghiện luôn tìm mọi cách lẩn trốn sự truy quét của cơ quan chức năng với vô vàn lý do.

Học nghề tại trung tâm cai nghiện. (ảnh minh họa: Cinet)

Anh Cao Tấn Thanh, ở Quận 4, nghiện ma túy đã 14 năm, cũng nhiều lần đi cai về nhưng không thành công.  Anh tâm sự: “Vô trong cơ sở cai nghiện, thứ nhất là thời gian dài, thứ hai là không có tiền đóng tiền phí, phải đóng tiền phí rất cao nên nhiều người không có khả năng đóng. Còn học nghề thì những nghề đó không phù hợp, chỉ là những nghề chung chung, mỗi khi được cho về tái hòa nhập cộng đồng thì không xin được việc làm vì khi làm hồ sơ đi xin việc thì công an khu vực phê là người sử dụng ma túy”.

Còn anh Phan Lê Minh – mới học hết lớp 4 đã nghỉ học, rồi đi theo bạn bè rủ rê, gần 20 năm nghiện ma túy anh sống lang thang cùng căn bệnh HIV nhưng anh cũng không muốn vào trung tâm cai nghiện bắt buộc vì thời gian quá dài. Anh hy vọng được uống Methadone, được điều trị tại cộng đồng để còn có thể kiếm được việc làm nuôi sống bản thân.

Anh Lê Sơn – nhóm đồng đẳng Cuộc Sống Mới  cho hay– công việc hàng ngày của anh là tiếp cận các bạn nghiện ma túy để phát bơm kim tiêm, bao cao su tại các điểm nóng về ma túy của TPHCM, qua quá trình tiếp xúc và tìm hiểu thì hầu hết các đối tượng đều rất sợ bị bắt đi cai nghiện bởi nhầm tưởng rằng vô các Trung Tâm không khác gì ở tù.

Giải tỏa những hoài nghi này, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định: Khi đưa người nghiện vào cơ sở xã hội toàn bộ chi phí sẽ do Nhà nước lo. Còn đối với người nghiện có hộ khẩu cụ thể thì sẽ được uống methadone và điều trị tại cộng đồng:

“Chúng ta không để người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định lang thang hút chích ở nơi công cộng, điều đó làm mất đi hình ảnh đẹp của TPHCM, làm mất an toàn ở những nơi công cộng của TP và điều đó cũng làm cho nguồn lây nhiễm bệnh gia tăng. Do đó, phải thực hiện những biện pháp mạnh, hiệu quả trên tinh thần là tôn trọng quyền con người đối với người nghiện”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Như vậy, với những người nghiện khả năng miễn dịch, sức khỏe giảm, dễ bị lây nhiễm nếu được điều trị, chăm sóc chu đáo ở trung tâm giúp họ sống khỏe, có cơ hội làm lại cuộc đời. Cách làm linh hoạt này rất nhân văn, thể hiện trách nhiệm, tình thương với những người trót lầm lỡ và yếu thế.

Ngoài những rào cản về tâm lý đối với người nghiện cần phải giải tỏa, quá trình thực hiện cũng đang vấp phải những vướng mắc, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ. Ông Nguyễn Hồ Hải – Bí thư Quận ủy, Quận 8 nêu ý kiến: “Việc bắt giữ các đối tượng nghiện về cơ sở theo quy định thì không được còng nhưng khi đưa về phường vào buổi chiều phải để đến sáng hôm sau chuyển đi.  Tối đối tượng lên cơn nghiện rất manh động, tại phường lại không có bác sỹ chuyên môn để cắt cơn, giải độc tại chỗ. Bên cạnh đó, việc tổ chức cai nghiện tại cộng đồng lại khó thực hiện do không có lực lượng y tế chuyên trách, ngoài ra việc xác minh các đối tượng ngoài TP rất khó”.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy trong số 19.200 người nghiện ở TPHCM có khoảng 60% không có nơi cư trú ổn định nên địa phương rất khó quản lý và hệ lụy mất an toàn xã hội nảy sinh như gây án hình sự, trộm cắp, cướp giật... Theo Thạc sĩ Đặng Minh Sự  - Trưởng phòng Pháp chế Sở LĐTB và XH TPHCM thì cần sớm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng.

“Người nghiện ma túy vào trung tâm không có hộ khẩu tức là người của các tỉnh thành bạn. 60% đối tượng không có nơi cư trú ổn định và lang thang nếu đưa vào các trung tâm thì việc cắt cơn điều trị trong quá trình chờ tòa xử lý giải quyết như thế nào? Bởi vì đối tượng chúng ta quá nhiều. Thứ hai là để đưa ra tòa thì phải xác định được tình trạng của đối tượng. Tôi lấy ví dụ ở Trung tâm Bình Triệu, chúng tôi không có y bác sỹ nào đủ điều kiện khám bệnh và chữa bệnh”, ông Sự trăn trở.

Phải thừa nhận việc tìm kiếm để đưa cho hết những đối tượng nghiện ma túy lang thang vào các cơ sở tiếp nhận ban đầu đã khó, nhưng đến giai đoạn cắt cơn, giải độc và chữa trị về mặt tâm lý lại càng khó hơn. Có khi nửa đêm lên cơn nghiện, các đối tượng này còn đập phá, dựng cả giường ngủ lên, thậm chí rút dây điện tự chích vào người.

Tính thời điểm này, các Trung Tâm đã hội đủ điều kiện để điều trị cho số lượng lớn người nghiện. Trung tâm Nhị Xuân hiện đang điều trị cắt cơn, giải độc cho 550 đối tượng không có nơi cư trú nhất định, trong đó có 100 nữ, trong tổng số khoảng 850 người. Với cơ số 200 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 30 y bác sĩ, Trung tâm hoàn toàn có thể đáp ứng nhiệm vụ được giao. Còn lực lượng TNXP đang quản lý 4 trường trại đóng ở 4 địa điểm khác nhau thuộc các tỉnh: Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương và một trường ở Hóc Môn TPHCM với sức chứa khoảng 4.000 học viên. Ở các nơi này tiếp nhận đa số những bệnh nhân trước khi vào Trung tâm có lối sống buông thả, kém hiểu biết. Vì vậy các trung tâm này đều tạo ra một môi trường thân thiện để các học viên vừa tham gia cai nghiện, vừa học tập, vừa được tạo điều kiện kiếm thu nhập cho bản thân. Ông Lê Tấn Hùng - Trưởng lực lượng TNXP TPHCM cho hay: “Ở đây các đối tượng đều có điều kiện lao động để họ có thu nhập. Đơn vị trường 1 có thể nói thu nhập từ 500 đến 700 ngàn đồng mỗi tháng. Ở đây có nhiều hoạt động sản xuất, đảm bảo cho đời sống như rau củ quả. Ngay ở các trường trại đều có sản xuất, chăn nuôi heo, gà v.v. nói chung ở đây cũng có sự nỗ lực của học viên cũng như cán bộ công chức”.

Đề cập đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất tại 4 trung tâm vừa nêu trên, bác sỹ Nguyễn Hữu Cẩn - Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 2 – Trực thuộc lực lượng TN xung phong, Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết: “Cái khó khăn là cơ sở vật chất đã xuống cấp phải sửa chữa lại, đội ngũ cán bộ nhân viên đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ còn thiếu phải thu hút bên ngoài hoặc gửi đi đào tạo thêm. Một số đồ dùng, trang thiết bị của học viên cũng xuống cấp, phải đầu tư lại”.

Có thể thấy, dẫu khẩn trương nhưng cơ quan chức năng cần có những bước đi hết sức thận trọng. Không chỉ trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ cho các Trung tâm tiếp nhận người nghiện, cần quan tâm đến việc tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cơ quan chức năng, cách nhìn nhận của người nghiện, gia đình họ đối với chủ trương đúng đắn này. Bởi nếu không hiểu đúng và đầy đủ sẽ không loại trừ khả năng người nghiện vô gia cư dễ phát sinh hành vi chống đối nguy hiểm khi bị tạm giữ. Để giúp người nghiện an tâm điều trị cai nghiện, dù khó khăn, TPHCM cũng phải cố gắng thực hiện. Đó là quyết tâm của thành phố.