Chính phủ họp bàn các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh và người lao động

(VOH) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP - Lê Thanh Liêm cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 105.246 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ

“Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 8/2020 vào sáng nay 04/09, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đó là điều xã hội và nhân dân mong chờ nhất.

Phiên họp phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 8/2020 vào sáng nay 4/9, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tình hình ngành du lịch, văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, ngành văn hóa thể thao gần như ngưng trệ hoàn toàn. Ngành du lịch rất khó khăn. Gần cả năm nay, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khủng hoảng và gần như đóng cửa do không có khách; người lao động gần như không có việc làm. “Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra thì ngành du lịch sẽ vô cùng khó khăn, sẽ kéo theo ngành giao thông, đường sắt, hàng không trì trệ, cho nên báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành liên quan có chính sách để hỗ trợ, để sớm vượt qua giai đoạn này”, ông Thiện cho biết.

Nêu thực trạng về thiếu việc làm, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, trong quý 2, 3 ở mức báo động, đặc biệt, thất nghiệp, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Có 85% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, nhập khẩu thiếu nguyên liệu, do đó, ông Mẫn đề nghị cần có đánh giá tổng quan với tình hình việc làm và tác động của tình trạng thất nghiệp, đi sâu đi sát từng lĩnh vực, địa bàn ở khu dân cư. “Nghiên cứu bổ sung gói hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, gói hỗ trợ mới cho các đối tượng, lĩnh vực khó khăn tiếp theo, đặc biệt là có biện pháp cải thiện khó khăn, tiếp cận chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp. Thực sự gói 62 ngàn tỷ đồng vừa qua, trong đó có khoảng 18 ngàn tỷ cho doanh nghiệp giải ngân không được bao nhiêu, đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Thứ ba, cần thúc đẩy kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cải cách hành chính. Lãnh đạo thì rất dễ, nhưng cấp dưới còn gây khó khăn thì chúng ta phải có biện pháp và xử lý kịp thời", ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Về giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể cho biết, tính đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân hơn 23 ngàn tỷ đồng, chiếm 57%. Trong tháng 9 năm nay, Bộ tiếp tục giải ngân để đến hết tháng 9 đạt tỷ lệ 66%, phấn đấu đến hết năm nay, giải ngân đầu tư công đạt chỉ tiêu đề ra: “Riêng 3 dự án chuyển qua đầu tư công, thì báo cáo Thủ tướng ngay sáng nay, đã mở thầu toàn bộ 13 gói thầu, đến thời điểm này, chúng tôi xử lý chỉ còn 1 trường hợp, tức là 1 gói thầu hiện nay không đủ 3 nhà đầu tư, nhà thầu tham gia. Đưa hồ sơ thì nhiều, nhưng điều kiện thì không đủ. Theo quy định là chúng ta có thể mở thầu, nhưng Luật quy định là có thể người quyết định đầu tư sẽ quyết định để đảm bảo tính công khai minh bạch 1 gói thầu/13 gói thầu. Do đó, Bộ quyết định sẽ kéo dài thêm 10 ngày để Bộ Giao thông quyết định nhà thầu tiếp tục tham gia dự thầu”, ông Thể báo cáo.

Nhìn tổng thể nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,6%. Xuất siêu gần 12 tỷ đô la Mỹ. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay. Phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%. Đời sống nhân dân ổn định, số hộ thiếu đói giảm hơn 75%. Tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí. Các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó, đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Tuy vậy, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục. Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch COVID-19 quay trở lại. Thủ tướng yêu cầu Chính phủ các bộ ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt triển khai hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng, gói tiền tệ tín dụng, làm sao Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, giảm bớt nợ xấu tăng đột biến. Gói an sinh của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đề xuất, hỗ trợ.

Tại điểm cầu TPHCM.

Trước đó, tại điểm cầu TPHCM, báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế của TPHCM 8 tháng qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP - Lê Thanh Liêm cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 105.246 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%); do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên ngành du lịch thành phố chịu tác động nghiêm trọng, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.006 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ. Trên lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP 8 tháng đầu năm ước tăng 2,1% so với cùng kỳ; bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành cơ khí giảm 10,5%, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tăng khá 17,9%, ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9,1%, ngành chế biến lương thực – thực phẩm – đồ uống ước tăng 1,5%.

Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm ước đạt 8.764 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,3%, thủy sản tăng 4,8%, dịch vụ nông nghiệp tăng 7%.

Trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố nói riêng đang đối phó với dịch Covid-19 thì công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một điểm sáng tích cực khác. Tính đến hết ngày 23/8/2020, tổng số vốn đầu tư công của thành phố đã giải ngân là 21.279,948 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch thành phố đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ.

Về thu – chi ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 216.763,162 tỷ đồng, đạt 53,41% dự toán, giảm 17,37% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 49.246,493 tỷ đồng, đạt 48,28% dự toán.

Để duy trì sức mua trong tình hình khó khăn hiện nay, các hệ thống phân phối hiện đại tại TP đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại để tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng cũng như kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, website, app và hỗ trợ chính sách giao hàng. Sự chủ động thay đổi phương thức bán hàng này đã góp phần cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, kéo người tiêu dùng trở lại. Ông Liêm cho biết, Thành phố cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do tác động của Covid-19 với tỷ lệ 100%, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm báo cáo tình hình kinh tế TP trong 8 tháng năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8 vừa qua, chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng hơn 45%; 8 tháng năm 2020 tăng hơn 30% - mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 15%. Có 27 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ đô la Mỹ. Xuất siêu gần 12 tỷ đô la Mỹ.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 28%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm gần 6% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm gần 2%.

Bài, ảnh: Lệ Loan