Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2019: Cần có cơ chế, chính sách thuận lợi, phục vụ phát triển

(VOH) - Chiều 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.

Ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2019.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này tập trung bàn một số nội dung như tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020; tình hình thực hiện NSNN năm 2019 và dự toán NSNN năm 2020; kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2020-2022 và các vấn đề khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu họp phiên thường kỳ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau.

Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Những kết quả nổi bật trong 8 tháng

(1) Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (mặc dù trong tháng, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và giá thịt lợn tiếp tục tăng).

(2) Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%).

(3) Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

(4) Giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.

(5) Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.

(6) Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu NSTW đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.

(7) Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5%(nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.

(8) Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…

(9) Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, quốc phòng an ninh được bảo đảm, tình hình diễn biến phức tạp nhưng chúng ta rất cương quyết, các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp với các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%…)…

Về xuất nhập khẩu: Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%).

Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, như dịch sốt xuất huyết; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Chúng ta cần phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến nhân dân trước; phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Cần nghiêm túc thực hiện phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết số 01, 02. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn những mặt hạn chế, yếu kém và còn nhiều khó khăn, thách thức phải tập trung xử lý, giải quyết. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng; để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tám, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục tổ chức một số hội nghị chuyên ngành để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực quan trọng, qua đó đề xuất cơ chế, chính sách mới tạo sự đột phá cho phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định vĩ mô.

Thông tin về đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế về kết quả tiến trình “Đổi mới,” tăng trưởng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết các chuyên gia cho rằng “Đổi mới” lần thứ nhất đã đưa đến thành công vang dội trong hơn 30 năm qua, nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn.

“Chúng ta cần Đổi mới 2 với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo động lực phát triển mới. Chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi, đủ sức cạnh tranh quốc tế, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, nếu không làm quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ cải cách này thì sẽ “thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách mạnh mẽ.”

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tập trung cao độ, rà soát cơ chế, thể chế để có sự thích ứng nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, phải nhận thức đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp, tạo sức bật từ người dân và doanh nghiệp.

Đi liền với đó, trong cải cách hành chính, cần chú trọng khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng đất nước, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực đang đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng này.

Thủ tướng cũng đề nghị, đối với một số tập đoàn kinh tế tư nhân có nguồn huy động vốn lớn, dòng tiền không đủ mạnh để bù đắp, dễ tổn thương thì phải tái cơ cấu, tránh dàn trải đầu tư.

Nhắc lại điểm nghẽn về chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là giải phóng mặt bằng. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải cần công bố chương trình hành động cụ thể gắn với mốc thời gian, nếu thừa vốn sẽ điều chuyển cho các địa phương và ngành khác. Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với Bộ này để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Trước khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo ngành nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; kiểm tra đánh giá kết quả chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác ở các địa phương; đồng thời chuẩn bị tốt cho Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trước thực tế có tình trạng “núp bóng” hàng Việt Nam để gian lận thương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần có biện pháp tránh tiếp tay cho các hành vi này, ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại đến sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng tạm nhập, tái xuất.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là tăng cường cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy hợp tác công tư và tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tốt việc khai giảng năm học mới, ngăn chặn tình trạng lạm thu gây bức xúc cho nhân dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ rà soát lại việc đào tạo văn bằng 2, không để xảy ra tình trạng như Đại học Đông Đô.

28 gương mặt đại diện Việt Nam sẵn sàng cho chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa các Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) sẽ chính thức bắt đầu.

Quảng Bình: 1 người chết, 1 người mất tích vì mưa lũ, nhiều xã bị cô lập - Tỉnh Quảng Bình đã có 2 người chết, mất tích và 1 người bị thương do mưa lũ.