Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

(VOH) - Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng, buộc thôi việc công chức vòi tiền người vi phạm; người muốn giữ hai quốc tịch phải đủ 5 điều kiện... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 3

Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng

Có hiệu lực từ 1/3, quyết định 02/2020 của Thủ tướng tiếp tục việc thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... tại 15 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk; Hải Phòng; Thanh Hóa; TP HCM, Nghệ An, Điện Biên, Hà Nội, Bạc Liêu, Sơn La...) đến hết 31/12.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng. Ảnh: internet

Theo quy định này, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.

Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác...Nguồn vốn cho vay do Ngân sách Nhà nước cấp 50%, phần còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.

Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được của chủ trương trên, Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc mở rộng, áp dụng trên phạm vi cả nước.

Buộc thôi việc công chức vòi tiền người vi phạm

Đây là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.

Theo đó, công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính. Ở hình thức kỷ luật nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.

Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Người có hai quốc tịch phải đủ 5 điều kiện

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

Hộ chiếu của công dân Việt Nam ghi thông tin Quốc tịch. Ảnh: VNE

Có hiệu lực từ 20/3, nghị định 16/2020 quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật Quốc tịch, quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài cần hội tụ đủ 5 điều kiện.

Đầu tiên là có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; người xin nhập quốc tịch phải có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Việt Nam.

Ngoài ra, việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài liên quan; việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Trợ cấp đối với nhà giáo chưa có phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Đây là quy định mới tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP, quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương .

Để được hưởng trợ cấp phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 1/1/2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

Đại diện Ban phụ huynh được vào hội đồng chọn sách giáo khoa

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2020

Sách Đạo đức và Tiếng việt lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: VNE

Thông tư 01/2020 của Bộ Giáo Dục & Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 15/3, lần đầu quy định các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông được phép lựa chọn sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một đầu sách giáo khoa.

Thông tư quy định đại diện ban cha mẹ học sinh được tham gia vào Hội đồng chọn sách giáo khoa. Hội đồng này của các trường gồm hiệu trưởng, hoặc hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học...

Thông tư cũng quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng.

Diện tích làm việc của giảng viên

Thông tư 03/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo đó, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định như sau:

- Giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2;

- Phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2;

- Giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

Thông tư cũng quy định 20 phòng học có 1 phòng chờ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng chờ là 3m2/giảng viên.

Quy định có hiệu lực từ ngày 27/3/2020.