Cho đi là còn mãi

(VOH) - Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, danh vọng hay tiếng tăm. Nó có ở trong lòng tốt, sự cống hiến và điều đáng quí nhất trong cuộc đời của mỗi người chính là những nghĩa cử tốt đẹp đối với người khác.

Bởi lẽ cho đi là còn mãi, với những nghĩa cử nhỏ bé, không tên sẽ mang đến hạnh phúc cho cộng đồng, và cho chính mình. Câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể với quý vị sau đây về một con người giản dị sống giữa nhân dân bằng trái tim biết yêu thương, anh là đại úy Võ Hoàng Sơn, cảnh sát khu vực tại khu phố 2, phường 12, quận 8. ​

Đưa người sử dụng ma túy trái phép về trụ sở của phường 12, quận 8. Ảnh minh họa. TNO

Những cơn mưa nặng hạt sau đợt nắng nóng làm cho không khí trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn, nhưng với những hộ dân sống dọc tuyến kênh rạch thuộc khu phố 2, phường 12 thì sẽ phải đối mặt với dịch bệnh, mùi hôi bốc lên từ rác rến. Ấy vậy mà họ vẫn cứ sống, tạm bợ từ bấy lâu nay, và không biết từ lúc nào cái xóm nghèo lại biến thành điểm nóng ma túy. Do nghèo quá, hay vì không thể cưỡng lại sức mạnh của đồng tiền. Mấy năm trước, phường 12 nổi lên là "điểm đen" về tình trạng mua bán ma túy công khai, các đối tượng hình sự manh động khiến người dân sống trong khu vực vô cùng bất an, con cái không dám cho ra đường vì sợ kẻ xấu dụ dỗ. Là một cảnh sát khu vực, đại úy Võ Hoàng Sơn luôn đau đáu làm thế nào để tình trạng trên không xảy ra trên địa bàn mình công tác.

Khi nhận nhiệm vụ về làm cảnh sát ở khu vực trọng điểm ma túy 5 năm trước, anh tự nhủ với lòng cần phải mềm mỏng, dùng cái tâm của mình để chuyển hóa những đối tượng buôn bán, nghiện ngập, giúp họ hướng thiện, sống có ích hơn.

​Tuy nhiên, mọi việc không dễ như anh Sơn nghĩ, dân buôn bán ma túy ở đây phần đông là nghèo khó, không nghề nghiệp, và anh cứ kiên trì, mỗi ngày gặp gỡ, khuyên nhủ, dần dà nhiều người cũng đã hối lỗi và quay về với gia đình, bạn bè, từ bỏ hẳn ma túy. Có thể nói tới trường hợp anh Huỳnh Văn Hiếu, trước đây từng sa chân vào con đường ma túy, rồi tù tội, khiến cả nhà đau khổ, mẹ cha khóc hết nước mắt vì đứa con hư hỏng. Trong lúc tưởng không thể vực dậy được thì anh Sơn đã động viên, an ủi tạo điều kiện cho vay vốn để có nghề nghiệp ổn định. Giờ đây vào mỗi chiều, anh Hiếu cùng vợ hạnh phúc bên quán hủ tíu nho nhỏ. "Thấy hai vợ chồng chịu thương, chịu khó, bà con cũng ủng hộ nhiều lắm, cuộc sống gia đình giờ đây đã đỡ hơn nhiều, có khi bán luôn tay không kịp,...khi anh Sơn giúp tôi, khuyên tôi làm ăn lương thiện và đề xuất cho mượn vốn, tôi thấy cảm kích tấm lòng ảnh và muốn tự mình làm từ 2 bàn tay trắng", Anh Hiếu tâm sự với đôi mắt dâng đầy niềm vui.

Song cuộc chiến chống ma túy luôn là cuộc đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt, đại úy Võ Hoàng Sơn còn cho biết: Trước đây các đối tượng mua bán ma tuý ở khu vực này rất lộng hành, hoạt động hết sức tinh vi. Lực lượng ở khu vực lại khá mỏng, không dễ gì phát hiện hết được. Sau khi được sự hỗ trợ của công an thành phố, công an quận 8, cùng với bà con tại chỗ, đã bố trí thường xuyên tuần tra, kiểm soát bắt nhiều đối tượng mua bán ma tuý nên hiện nay những "điểm đen" về ma tuý trên địa bàn đã cơ bản xóa sạch từ đó tình hình an ninh trật tự và cuộc sống của người dân dần ổn định hơn.

Theo chân đại úy Sơn đến thăm bà con ở tổ 34, chúng tôi mới hiểu hết tấm lòng người cảnh sát khu vực này, anh bước vào từng nhà hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn… Rồi anh bước vội sang một ngôi nhà nhỏ, thấp, cũ kỹ. Anh Sơn cho biết đó là nhà của Trương Thị Kim Nga - người đang chịu án tù vì tội buôn bán ma túy. Và đây cũng là trường hợp khiến anh trăn trở, ngày Nga bị bắt, khi đó vào ban đêm, lực lượng cảnh sát bao vây kín cả một khu vực. Dân tình cũng đứng vây quanh khá đông. Anh Sơn kể lại: “Do đây là một trong những trọng điểm của nạn buôn bán ma túy nên cần phải mạnh tay để cảnh báo cho những đối tượng đang buôn bán khác”. Sau đó, điều làm cho anh day dứt nhất là nhìn cảnh bốn đứa con nheo nhóc của người phụ nữ đang thụ án, từ nay không còn có mẹ bên cạnh thì các cháu sẽ sống thế nào đây? Trước ngày Nga bị bắt, anh Sơn nhiều lần khuyên bảo hãy nghĩ cho tương lai các con mà từ bỏ và xa lánh tội ác.

​Chỉ đến khi bước lên xe tù nước mắt đầm đìa nhìn anh công an khu vực mà nức nở, không biết nói gì vì quá xấu hổ, ân hận, Nga chỉ biết nhờ cậy người chiến sĩ công an hết lòng tận tâm với dân rằng: “xin hãy quan tâm, chăm sóc các con vì chúng còn quá nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 7, nhỏ nhất còn ở bậc mầm non”. Kể đến đây, anh Sơn bồi hồi: "Khi bắt chị Nga, tôi cũng trăn trở mấy đêm liền không ngủ được, nghĩ tới mấy đứa con của chị Nga sau này không có điểm tựa người mẹ, sợ cháu sau này lầm đường lạc lối, bỏ học, không ai lo. Vì tuổi đang ăn học, nếu không có tiền mà bỏ học thì sau này không có tương lai".

​Khi chúng tôi đang hỏi thăm gia đình thì bà Huỳnh Thị Tám, mẹ của Nga rối rít mời chúng tôi ngồi. Có lẽ, từ rất lâu rồi chưa được tu sửa nên ngôi nhà càng thêm xuống cấp. Bà Tám cho biết, từ ngày mẹ chúng bị bắt, mấy đứa nhỏ cũng hiểu chuyện nên rất chăm học lắm. Song do gia cảnh túng thiếu quá, bà sợ các cháu không được đến trường. Bà kể đủ thứ chuyện phải lo, thế nhưng cũng nhờ anh Sơn thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ bà cố gắng cho mấy đứa cháu đi học, vì tương lai của tụi nhỏ, nên bà cũng ráng. "Khu vực này chú Sơn tốt lắm. Có khi nhỏ út học mầm non không có tiền đóng, chú Sơn cho tiền học đóng, chú nói: đừng cho nghỉ, phải cho cháu học", bà Tám chia sẻ.

​Chính những việc làm nhân nghĩa của đại úy Võ Hoàng Sơn đã lan tỏa đến những người dân xung quanh anh, nhiều người tự nguyện làm nhiều điều tốt hơn. Chị Đặng Thị Huỳnh Hoa - Tổ trưởng tổ 34, mặc dù gia cảnh còn khó khăn, mỗi ngày làm gia công may mặc thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng nhưng chị vẫn làm tốt công tác của mình. Chị chia sẻ, làm việc với anh Sơn rất dễ chịu, nhiều lúc nản lắm nhưng anh cũng động viên tinh thần, với lại nhìn thấy sự tử tế, ân cần và hết mình vì nhiệm vụ của anh Sơn với bà con nên chị cũng thấy công việc mình làm thật ý nghĩa”, chị Huỳnh Hoa bày tỏ: "Khi có chủ trương của Nhà nước đưa ra có lợi cho tổ, cho dân thì tôi và anh Sơn ngồi lại bàn bạc, phối hợp thực hiện để tốt cho tổ, cho khu phố".

“Hãy tử tế với những người không tử tế” - Đại úy Võ Hoàng Sơn đã hành động như vậy với những người dân sống quanh mình, chính anh cũng hiểu rằng: Tự trong lương tâm ai cũng muốn mình trở nên tốt đẹp, song cuộc sống xoay vần đã khiến cho không ít người vướng vào tội lỗi. Và chỉ có lòng nhân ái mới có thể nâng đỡ họ. "Tôi nghĩ khi theo ngành này thì mình phải có tâm và đạo đức, được người dân tin tưởng và thương yêu thì dễ làm việc hơn. Ví dụ người dân cung cấp tin cho mình, rồi mình bắt một đối tượng mua bán nào đó, trước tiên ở địa bàn khu vực mình quản lý, mình sẽ mời người ta lên răn đe, cảnh cáo nhắc nhở trước. Nếu mà răn đe, nhắc nhở mà về người ta nghĩ lại thấy đúng không làm, mà nếu vẫn tiếp tục thì mình bắt, lúc đó người ta đi cải tạo không oán trách. Đồng thời, cần tạo điều kiện sau này nếu họ đi cải tạo về địa phương thì họ sẽ tốt hơn", đại úy Sơn chia sẻ.