Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

(VOH) - Không khó để nhận ra các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có khuynh hướng tăng lên đáng kể về cả cường độ và tần suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đứng thứ 13 trong số 16 nước hàng đầu chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Do vậy, làm sao để thích ứng trước tình hình này trở thành bài toán cần chủ động giải quyết dành cho ngành nông nghiệp.

Việt Nam đứng thứ 13 trong số 16 nước hàng đầu chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Việt Nam là một nước nông nghiệp có tới gần 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Với vai trò quan trọng như vậy nhưng lĩnh vực này lại đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như vựa lúa ĐBSCL nằm ở vùng đất thấp, trong tương lai sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao và chu trình thủy văn thay đổi. Tính chung cả nước cũng sẽ có nhiều diện tích đất có thể bị nhấn chìm hoặc nhiễm mặn sâu. GS-TS Nguyễn Trọng Hiệu – Trung tâm Khí tượng thủy văn Nông nghiệp, lưu ý: "Sản xuất nông nghiệp góp phần vào việc phát thải khí mê-tan. Thí dụ, chúng ta mới làm đất, sụt bùn lên sau đó lại cấy xuống không có nước ngập thì phát thải khí mê-tan rất nhiều. Do vậy không nên sụt bùn nhiều, cũng không nên để ruộng hoàn toàn khô, để nước ở mức vừa phải. Hiện nay, người ta cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp để làm sao hạn chế thấp nhất phát thải khí mê-tan".

Và hậu quả nhãn tiền đã từng xảy ra gây thiệt hại to lớn. Ví dụ như năm 2006, thời tiết thất thường cùng thiên tai ước tính đã làm 140.000 hécta lúa bị ngập, trong đó có hơn 21.000 hécta mất trắng; 122.000 hécta hoa màu bị ngập, gần 10 hécta nuôi trồng thủy sản bị hư hại; hơn 2.000 tàu, thuyền bị chìm, hỏng; gần 1,1 triệu mét khối đất đá công trình bị sạt lở, bồi lấp. Tổng thiệt hại do bão lũ lên tới 1,2 tỷ USD. Đáng lo ngại hơn khi hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu có thể gây ra hạn hán liên tục và kéo dài, làm giảm đến 20 - 25% lượng mưa trên phạm vi rất rộng. Giáo sư Trần Thục – Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường đánh giá: "Biến đổi khí hậu làm cực đoan khí hậu ngày càng gia tăng. Về tương lai, chúng tôi nhận định cường độ mưa và độ dài gió mùa giảm, mưa cực đoan có xu thế giảm ở vùng duyên hải và tăng ở vùng Tây Nguyên. Hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn, quy mô dài, nghiêm trọng hơn. Cuối cùng nắng nóng xuất hiện nhiều hơn và tồn tại dài hơn".

Các yếu tố khí hậu biến đổi cũng gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và ngày càng tác động đến các hệ sinh thái biển, làm giảm nguồn lợi hải sản ven bờ. Mặc dù, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đề cập đến biến đổi khí hậu như một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời cuộc. Cho đến nay, sự nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư ở nước ta còn chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc, đặc biệt ở cấp độ những người hoạch định chính sách. Nhiều người dân còn chưa thấy hết mối nguy cơ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. GS-TS Võ Tòng Xuân cảnh báo: "Vùi rơm rạ xuống dưới ruộng hoặc đốt rơm rạ đều làm khí nhà kính tăng lên, dẫn đến biến đổi khí hậu. Hoặc chúng ta thâm canh bón phân đạm cho thật nhiều để có năng suất cao, vô tình chúng ta cũng sản xuất ra khí nhà kính, làm khí quyển nóng hơn".

Trước tình hình này, theo Cục Trồng trọt, đến năm 2020, ngành trồng trọt phấn đấu giảm phát thải 10% lượng khí nhà kính, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đảm bảo ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng miền, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đồng bằng Bắc bộ, miền Trung; đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định với 3,8 triệu ha canh tác lúa hai vụ; hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: "Định hướng ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng nhất là ngành nông nghiệp phát triển nông thôn cần xác định phải thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng thời tham gia giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất của ngành. Trong đó, hoạt động thích ứng là quan trọng nhất".

Trước những áp lực tài chính, kinh tế, nên hiện nay các chính sách về kinh tế - xã hội đang được ưu tiên thực hiện hơn là việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp, các ngành một cách hợp lý, bảo đảm phát triển bền vững. Thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học để tìm ra những loại gen di truyền mới xuất hiện, thúc đẩy sản xuất sạch, tiến tới một nền nông nghiệp không phát thải các-bon.

Biến đổi khí hậu gây những tác động và tổn thương nặng nề về mặt xã hội. Chính vì vậy, cần hình thành một cơ chế và chính sách hành động kịp thời để đặt thích ứng với biến đổi khí hậu như là một vấn đề liên ngành, trong đó có sự đóng góp tích cực của các chuyên gia xã hội và cộng đồng. Bà Vũ Thị Bích Hợp – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững nhấn mạnh, việc thay đổi không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng bắt buộc phải làm: "Có những loại canh tác mà sử dụng ít nước, không sử dụng phân thuốc trừ sâu hóa học thì chúng tôi áp dụng. Khi đưa vào thì năng suất thấp, tốn rất nhiều công sức nhưng vì lợi ích lâu dài nên người nông dân đã hiểu. Người nông dân được tham gia từ đầu đến cuối vì chỉ có họ mới tiếp tục được kết quả của họ và chia sẻ kiến thức với nông dân khác".

Rõ ràng thời gian tới, ngành chức năng cần tính đến việc tăng cường phổ biến, hướng dẫn khuyến nông cho nguời nghèo, mở rộng sinh kế bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất và thu nhập. Tôn trọng và đề cao các quyền quản lý tài sản chung của người dân, tăng cường an ninh cộng đồng và tập thể. Mặt khác, cùng họ xây dựng các kế hoạch ứng phó và tăng cường rèn luyện khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro và tổn thất.