Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết”

(VOH) - Hôm qua 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1, TP.HCM đã tiếp xúc cử tri tại quận 1 và quận 3.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các cử tri quận 3. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Tại các buổi tiếp xúc, bên cạnh các ý kiến của cử tri góp ý cho các Dự án Luật, đề nghị xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng hiện hành, thì vấn đề mà các cử tri quan tâm hàng đầu là công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Nhiều cử tri bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với hành động Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD - 981 trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan trái phép ra khỏi lãnh hải của Việt Nam.

Cử tri Nguyễn Văn Bông - Hội Luật gia Quận 1 đề nghị đại biểu Quốc hội cần sớm can thiệp vấn đề này, có tiếng nói để Quốc hội sớm đưa vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế: “Căn cứ vào các quy định của Công ước Liên Hiệp quốc 1982 về Luật biển, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc. Tôi đề nghị đại biểu Quốc hội TP.HCM nghiên cứu và có ý kiến phát biểu quan điểm tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, để Quốc hội xem xét về việc đưa vụ việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bằng biện pháp đưa ra tòa án, công lý quốc tế”.


Cử tri Trịnh Thị Thương - nữ tu dòng Phao lô ở Quận 1 cũng bày tỏ, sự việc chủ quyền quốc gia bị Trung Quốc xâm lấn đang được tất cả mọi người công giáo quan tâm. Cử tri cho rằng, việc mà mỗi người dân nên làm lúc này là hãy góp sức bảo vệ Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể: “Tất cả mọi người hãy giảm bớt những chi tiêu, ăn uống không cần thiết để góp phần vào công cuộc bảo vệ quê hương Tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Mỗi người hãy cùng nhau xây dựng Tổ quốc của mình, không phải bằng những hành động quá khích, mà bằng những việc làm mang tính hòa hoãn, kiên trì”.


Tại các buổi tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục khẳng định những cơ sở pháp lý cho thấy Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Dù vậy, Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng nguyên tắc quốc tế là không dùng vũ lực để giải quyết bất đồng trên biển Đông.

Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam đã phản ứng kịp thời về mặt ngoại giao cũng như trên thực địa. Từ khi vụ việc xảy ra, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam đã chủ động hơn 10 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc, trong những lần này, chúng ta đều nói rõ các vi phạm của Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan. Việt Nam cũng đã gửi công hàm cho Bộ ngoại giao Trung Quốc, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, đồng thời thông báo cho các nước, các tổ chức quốc tế liên quan. Trên thực địa, Việt Nam không dùng tàu quân sự mà chỉ dùng những biện pháp hành chính như tàu kiểm ngư, cảnh sát biển để ngăn cản việc làm sai trái của Trung Quốc. Việt Nam chúng ta có chính nghĩa thì chúng ta phải bình tĩnh, giữ một trái tim nóng trong một cái đầu lạnh trước những vấn đề đại sự của đất nước, không để bị kích động bất ngờ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, truyền thống đoàn kết đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh thử thách và mong muốn truyền thống ấy được thể hiện rõ hơn trong tình hình đất nước hiện nay.


Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta sử dụng những biện pháp phù hợp nên được thế giới ủng hộ, đây là thế mạnh của chúng ta. Nếu đấu tranh bằng ngoại giao không được thì phải đấu tranh bằng pháp lý, đây cũng là nội hàm của đấu tranh hòa bình. Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng, có chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, nhưng mà mục tiêu là hết sức kiên quyết. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, thì hơn lúc nào hết, dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, trẻ già, trai gái nhất tề một lòng. Đây là truyền thống của dân tộc. Tôi mong rằng đồng bào chúng ta trước tình hình khó khăn này hết sức bình tĩnh, sáng suốt và tăng cường đoàn kết, nhắc nhở nhau cùng đoàn kết, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết chung quanh Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Quốc hội và hết sức cảnh giác với các thông tin gây chia rẽ nội bộ để chúng ta thực hiện được mục tiêu.


Kiên trì mục tiêu đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta là điều mà Chủ tịch nước đã nhiều lần khẳng định. Song, Chủ tịch nước cũng cho rằng, đây là lúc mà cả nước có thể biến thách thức thành cơ hội. Cơ hội đó là cơ hội khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm, những hành vi lãng phí, tham ô, tham nhũng, những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng. Khắc phục những tồn tại đó để đất nước ngày càng vững mạnh, có thêm tiềm lực để bảo vệ chủ quyền của đất nước.