Chuẩn bị ứng phó với già hóa dân số

(VOH) - Theo kết quả điều tra Dân số năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên 60 tuổi của nước ta là hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, trong khi đó NCT nhóm tuổi trên 65 lại chiếm 7% dân số. Dựa vào tiêu chuẩn đánh giá tại một quốc gia thì những chỉ số này được gọi là già hóa dân số. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Điều này cũng tạo ra những thuận lợi và hạn chế trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong giai đoạn NCT đang chiếm ưu thế trong cơ cấu dân số, ngành dân số cần làm gì để có thể ứng phó trước việc già hóa dân số? Nhân ngày Dân số Việt Nam 26/12, Phóng viên Đài TNND TP.HCM có cuộc phỏng vấn bà Tô Thị Kim Hoa - Phó giám đốc Sở Y tế  - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM.


Chăm sóc người cao tuổi là một phần quan trọng của các chương trình, chính sách kinh tế và xã hội (Ảnh: Hanoimoi)

                                                                                               

 


* Hiện nay dân số Việt Nam nói chung đang trên đà già hóa, cụ thể hơn tình hình này như thế nào, thưa bà?

- Bà Tô Thị Kim HoaDân số Việt Nam vào năm 2011 đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tại TP.HCM, NCT chiếm 6,2% trong dân số, hơn 450.000 người. Tình trạng già hóa dân số bắt đầu từ năm 2011 và tăng nhanh về sau. Nếu chúng ta không điều chỉnh về vấn đề già hóa dân số này thì 20 năm nữa VN bước vào giai đoạn dân số già.

* Dân số già đi, cũng đồng nghĩa với tuổi thọ người dân ngày càng tăng, tuy vậy, cũng phản ánh tình hình mức sinh hiện nay giảm... Bà có thể đánh giá những thuận lợi và khó khăn của dân số già hóa?

- Bà Tô Thị Kim Hoa: Về thuận lợi thì tuổi thọ người VN tăng lên, đây là  thành tựu vĩ đại cho tuổi thọ con người. NCT chiếm số đông thì cũng đồng nghĩa với kinh nghiệm sống, vốn sống trong dân nhiều lên. Tuy vậy, nó cũng phản ánh khó khăn khi tỷ lệ NCT tăng lên trong khi người lao động giảm đi, góp phần thay đổi cơ cấu dân số về độ tuổi lao động, dẫn theo sự thay đổi về cơ cấu tiêu dùng cá nhân.

Một khó khăn nữa là xã hội chúng ta vẫn chưa thích ứng với già hóa dân số.

NCT cũng mặc cảm cho rằng mình lớn tuổi không còn làm được gì nhiều và cũng chưa thật hiểu đúng chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người cao tuổi. Một bộ phận người dân cũng còn xem NCT là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Kết luận của Ban bí thư Trung ương Đảng cho rằng một số địa phương vẫn chưa quan tâm đến NCT.

* Với chủ đề ngày Dân số năm nay là “già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”, sẽ đặt ra cho công tác dân số những vấn đề cần giải quyết thưa bà?

- Bà Tô Thị Kim Hoa: Tình trạng già hóa dân số và những thách thức đặt ra cũng có nhiều vấn đề, đời sống NCT còn nhiều khó khăn.

Ở nước ta 70% người dân sống ở nông thôn không có lương hưu, chưa có bảo trợ xã hội, không có tích lũy khi về già; 18% còn sống trong những hộ nghèo; 10% sống trong các nhà tạm bợ, tuổi càng cao thì nghèo càng cao, NCT nữ nghèo hơn NCT nam, NCT nông thôn thì nghèo hơn NCT thành thị.

Về sức khỏe NCT còn nhiều hạn chế, tuổi thọ bình quân là 73 tuổi nhưng tuổi khỏe mạnh chỉ có 66 tuổi, trong vòng đời có mười mấy năm họ sống trong bệnh tật và hết 95% NCT mắc bệnh mãn tính, 30% NCT cảm thấy buồn, cô đơn, không chia sẻ với ai.

Về an sinh xã hội vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu của NCT. Chúng ta phải làm gì trước thách thức này, với chỉ đạo của Đảng, Nhà nước các ngành, các cấp xây dựng chính sách cho NCT, phải phát huy lợi thế NCT, tạo việc làm phù hợp để NCT tiếp tục cống hiến. Phát huy NCT tham gia xây dựng các chính sách, chủ trương, phản biện xã hội, đoàn kết các thế hệ ở nơi mình sinh sống.

Về chăm sóc sức khỏe tạo ra những mô hình, phong trào để NCT tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe. Tại cộng đồng tạo ra những câu lạc bộ cho NCT, NCT giúp NCT, đội tình nguyện viên giúp NCT khó khăn, tạo điều kiện cho NCT gặp gỡ nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm và  giúp nhau vượt qua những khó khăn.

* Xin cám ơn bà rất nhiều!