Chuyện truyền thông từ chuyến thăm của tổng thống Obama

(VOH) - Năm 2000, tôi là một trong những phóng viên có nhiều thẻ sự kiện nhất khi đưa tin hoạt động của tổng thống Bill Clinton trong suốt 3 ngày ông ở TPHCM.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Ảnh: Pete Souza/The White House)

16 năm sau, Tổng thống Obama tới TPHCM cũng với lịch trình kiểu Mỹ (American way), đó là những bài phát biểu, gặp gỡ doanh nghiệp thành đạt, diễn thuyết trước giới trẻ, thưởng thức đặc sản và như sự vô tình (nói thiệt ra cũng là có tính toán hết!) dừng chân bất chợt trên đường đi… nhưng hình ảnh Obama khác rất nhiều.

Dù ngoại hình không “bắt mắt” như tổng thống Bill Clinton, không có sự hỗ trợ từ người vợ sắc sảo Hillary Clinton (một trong 100 luật sư ảnh hưởng nhất của Mỹ) và cô con gái “rượu” xinh đẹp Chelsea, nhưng “truyền thông kiểu Obama” lại tạo sức hút mạnh mẽ, đem đến niềm cảm hứng cho đông đảo người Việt Nam. Vì sao?

Trước tiên, đó là một show chương trình truyền hình thực tế được xây dựng kỹ lưỡng. Việc tổ chức, biên kịch, đạo diễn và “diễn” rất đạt của diễn viên chuyên, không chuyên trong việc xây dựng hình ảnh ông Obama tại quán bún chả bình dân, ở con phố nhỏ của Việt Nam đã tạo sự phấn khích và chỉ ra sự gần gũi của một lãnh đạo cường quốc trong cuộc sống bình thường.

Thứ hai là cách truyền thông từ chính Nhà Trắng. Mọi hoạt động, diễn thuyết của ông Obama được đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp trực tiếp khắp thế giới. Mạng xã hội, youtube, facebook tràn ngập hình ảnh của vị tổng thống Mỹ dù gần hết nhiệm kỳ. Người ta có quyền bình phẩm, phân tích thậm chí kiến nghị nên thay đổi lộ trình cho một vị tổng thống…

Thứ ba, đội ngũ truyền thông của Nhà Trắng còn được “hà hơi, tiếp sức” bởi tính năng livestream của facebook. Một tính năng mới phát huy tác dụng cách đây vài tháng nhưng dự báo sẽ tạo nên sự “bùng nổ” truyền thông khi mỗi người là Đài truyền hình di động. Không riêng hoạt động chính thống mà cả chuyện “bên lề” cũng được livestream (cố ý hay vô ý) một cách khéo léo khiến người theo dõi “mê mệt” không dừng lại được!

Hai tấm kính trong suốt đặt trên giá đỡ đặt kế bên Tổng thống Mỹ Barack Obama khi diễn thuyết là thiết bị mang tên “teleprompter” - "máy nhắc chữ", thường được sử dụng để giúp các MC truyền hình có thể dẫn chương trình lưu loát trước ống kính máy quay mà không cần cầm theo kịch bản (Ảnh: Reuters)

Những vấn đề kỹ thuật (máy phóng đại chữ) giúp phát biểu “trơn tru” và ê kíp trợ lý “biến hóa” văn hóa nước chủ nhà vào diễn văn cho thấy: truyền thông là quảng bá hình ảnh một cá nhân nhưng tựu trung đó chính là sự nghiêm túc nhắm đến hình ảnh một quốc gia.

Sự thống nhất giữa lời nói và hình ảnh tạo niềm tin nhất định khi “truyền dẫn ”cho người nhận.

16 năm, mọi sự thay đổi quá nhanh nhất là truyền thông đại chúng. Nắm bắt và phát huy tính tích cực của nó cũng chính là bài học của nhiều quốc gia không chỉ dừng lại ở một chuyến thăm.