Công nhân VWS bức xúc về mùi hôi

(VOH) - Tập thể công nhân Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng TW và TPHCM đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn đối với người lao động làm việc ở đây.

Nội dung trong đơn tập thể của hơn 400 lao động đang làm việc tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM, có nội dung đồng cảm sau khi xem chương trình truyền hình cuộc họp của Hội đồng nhân dân và đọc các ưu tư của công nhân vệ sinh qua phản ánh các báo nói về cống rãnh của Thành phố bị rác làm tắc nghẽn, gây ngập úng.

Bạn công nhân này đã nói ra được những cực khổ, khó khăn của người công nhân ngâm mình trong nước cống đen ngòm với bao hiểm nguy rình rập để làm vệ sinh cống sạch sẽ, thông luồng khi mưa lớn. Chúng tôi rất xúc động và cảm thấy hãnh diện vì bạn này đã dám nói ra việc làm của mình mà không xấu hổ, sợ người khác chê cười

Qua sự việc này, chúng tôi cũng xin được bày tỏ những khó khăn của công ty nơi chúng tôi đang làm việc, làm ảnh hưởng đến tinh thần của cả tập thể công nhân lao động của công ty trong nhiều năm qua.  

Công nhân Trương Văn Tài

Chúng tôi là những công nhân cư ngụ cùng gia đình đang sinh sống ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4, 7 và quận 8. Nhiều năm qua, Công ty có chính sách ưu tiên tạo công ăn việc làm, sử dụng phần lớn là người địa phương cùng công ty phát triển lĩnh vực xử lý rác, bảo vệ môi trường cho người dân Thành phố.

Đây là một công ty chuyên nghiệp, luôn chăm lo cho đội ngũ công nhân viên lao động.

Công nhân Trương Văn Tài, làm ở đây gần 10 năm, cho biết: dù công việc khó khăn, vất vả, dầm mưa dãi nắng, không được nghỉ ngày lễ, tết và chưa một cái Tết nào  được đón giao thừa cùng gia đình.

Nhưng bù lại, công ty có nhiều chính sách ưu đãi cho công nhân chúng tôi, như trả lương cao và thưởng hằng năm, tết thiếu nhi cho con tôi, tặng tập sách vở, cặp và xe đạp cho cháu. Công ty còn khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho chúng tôi.

Công nhân đang xịt khử mùi tại Khu xử lý rác Đa Phước

Anh Nguyễn Văn Năm gắn bó với công việc kéo bạt gần 10 năm chia sẻ: “Ngoài đồng lương xứng đáng để có thể lo cho gia đình, con em của chúng tôi cũng được tặng quà, được lì xì dịp tết, sách vở mùa tựu trường, các cháu còn đến tham quan nơi cha mẹ chúng làm việc, tham dự các chương trình nhân ngày quốc tế thiếu nhi, giáo dục về bảo vệ môi trường”.

Còn anh Phan Văn Tiền, công nhân khâu kéo bạt, làm việc hơn 6 năm tại đây, cho biết: “Công việc của chúng tôi mỗi ngày là dầm mình trong rác để vận hành xử lý khối lượng rác trên 5.000 tấn được Thành phố giao suốt 24h/24h, ngày cũng như đêm, không kể bất kỳ trường hợp thời tiết như thế nào, nắng hay mưa, nhiệt độ không khí có lúc nóng lên hơn 40 độ C.

Có lúc giông gió bão bùng, đặc biệt là giông gió ban đêm làm lạnh run người và có lúc mưa giông thật lớn nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng vận hành tốt, làm tốt công việc của mình để cho Thành phố được xanh, sạch hơn”.

Trong đơn kiến nghị, công nhân cũng cho biết, là những người tiếp nhận và vận hành, xử lý khối lượng rác trên 5.000 tấn/ngày, khối lượng của trên 10 triệu dân xả thải hàng ngày và chỉ có trên vài trăm công nhân viên phải tiếp nhận, xử lý tốt. Khối lượng rác VWS đến nay đã tiếp nhận được trên 14 triệu tấn và nếu có sự cố về môi trường hoặc về mùi hôi thì chúng tôi và gia đình sẽ là những người nhận hậu quả đầu tiên. 

Công nhân Trương Văn Tài, bày tỏ: dù công nhân chúng tôi vất vả trong việc xử lý rác để bảo vệ môi trường cho thành phố, mọi biện pháp xử lý nghiêm ngặt đã được công ty triển khai, bản thân chúng tôi nỗ lực hết mình để chuyến xe rác nào về là xử lý ngay. Nếu phát tán mùi hôi thì công nhân làm việc trực tiếp như chúng tôi đã bị bệnh rồi chứ không khỏe mạnh như vậy.

Vì vậy, chúng tôi rất mong được ghi nhận xứng đáng công sức đã bỏ ra trong việc xử lý rác, những người góp phần bảo vệ cho thành phố xanh - sạch - đẹp. 

Theo công nhân, mùi hôi thối xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như: TPHCM có trên 500 xe chở rác chạy trên tất cả con đường trong TP hàng ngày gây ra mùi hôi và nước rỉ rác chảy trên các con đường. Vì là rác hữu cơ, rác có độ ẩm ướt cao, phần lớn các xe chở rác lại cũ kỹ, cộng thêm có nhiều con đường không được quét rửa nên vô hình chung mùi hôi thúi bốc lên từ những việc như trên tại nhiều khu vực dân cư.

Chúng tôi đi làm hàng ngày trên các con đường này nên biết rất rõ tình trạng này.

Trong các khu dân cư có các trạm trung chuyển rác, sự đổ rác xuống và múc rác lên xe và các trạm trung chuyển cũng gây ra mùi hôi trực tiếp. Bên cạnh đó, các sông rạch lúc nước lớn và nước cạn, cũng gây nên mùi hôi tanh của bùn. Các cống rãnh ngay trước nhà dân cũng gây ra mùi hôi thối, nhất là khi đường sá ngập nước  và sau khi nước rút đi.

Kế cận khu xử lý rác nơi chúng tôi làm việc còn có Nhà máy xử lý phân hầm cầu (xử lý ngoài trời), Nhà máy sản xuất phân (phân hầm cầu pha chế với các loại phân heo bò, đầu cá, phân gà, đầu tôm), khu tiếp nhận chôn lấp bùn cống rãnh ngoài trời (bùn này trước kia ở Bình Hưng nhưng do bị người dân phản đối nên dời về kế khu xử lý của chúng tôi), các nghĩa trang…

Tất cả đơn vị này đang hoạt động kế bên công ty chúng tôi và người dân tại đây đã phản ánh các đơn vị trên đều phát tán mùi hôi thối khó chịu, đặc biệt là công ty sản xuất phân và chôn lấp bùn cống rãnh.   

Với những nguồn phát tán mùi hôi như nói trên, công nhân chúng tôi kiến nghị các cơ quan, ban ngành có biện pháp chỉ đạo kiểm tra tổng thể, nhất là đối với các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm khu vực Khu Liên hợp Đa Phước; có biện pháp bắt buộc những cơ sở, nhà máy này phải làm tốt hơn việc xử lý chất thải để tạo sự công bằng, bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho chủ đầu tư thực hiện tốt cũng như không làm ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ công nhân lao động nơi đây.

Xin hãy cho chúng tôi được một sự công bằng, chúng tôi rất vui với công việc cực khổ và dầm mình trong rác của mình để góp phần làm cho môi trường Thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp hơn.