Công tác đào tạo quy hoạch cán bộ của TPHCM-Một chủ trương mang tính đột phá

(VOH) - Tính đến nay, gần 1/2 tổng số cán bộ chủ chốt phường, xã-thị trấn ở thành phố như: Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND đang ở độ tuổi dưới 40. Trong số này, có gần 1/3 Chủ tịch UBND phường, xã-thị trấn có độ tuổi dưới 30 tuổi và 1/4 số Bí thư phường, xã-thị trấn cùng ở độ tuổi này. Sự trẻ hoá cán bộ cơ sở đã thể hiện rõ những định hướng đúng đắn và những mục tiêu tiêu giải pháp kịp thời của Thành ủy.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cần cải thiện chính sách thu hút, sử dụng người giỏi chuyên môn. Ảnh minh họa.

Trải qua những thử thách, sàng lọc, luân chuyển và đào tạo, đến nay, đội ngũ cán bộ diện quy hoạch dài hạn của thành phố có trên 1.200 người, trong đó có gần 360 là sinh viên, hơn  840 cán bộ trẻ công tác ở phường, xã-thị trấn; trong đó có 431 người được đề bạt bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng quận, huyện và tương đương. Ông Hà Phước Thắng được đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận 3 khi mới 28 tuổi, trở thành Phó chủ tịch quận trẻ nhất nước, hay ông Đoàn Trịnh Văn Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn là 2 trong số rất nhiều những gương mặt tiêu biểu của đội ngũ cán bộ trẻ thuộc diện quy hoạch dài hạn, đến nay đã phát huy tốt được phẩm chất chính trị, trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý. 

Không chỉ dừng lại ở công tác quy hoạch cán bộ dài hạn, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 10-15 năm tới, Thành uỷ TPHCM đã xây dựng Chương trình đào tạo 300 và 500 tiến sĩ-thạc sĩ. Bà Nguyễn Thị Lan-Phó Ban Tổ chức Thành uỷ, cho biết: Chương trình 500 đã khắc phục nhiều nhược điểm của Chương trình 300, trong quy trình tuyển chọn đề ra một số tiêu chí cụ thể như: nhân tố trẻ, có tâm huyết, cán bộ công chức dạng quy hoạch dài hạn của cơ sở; công khai trong việc tuyển chọn ứng viên,… Đặc biệt là những cán bộ mà các quận đã cử đi sau đào tạo thì nơi cử đi sẽ nhận về lại để bố trí nhiệm vụ. Nhìn về công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ và cán bộ dài hạn của thành phố thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lan-Phó Ban Tổ chức Thành uỷ, cho biết thêm:

5 năm qua, huyện Củ Chi là một trong những quận, huyện đã thực hiện có hiệu quả chủ trương về quy hoạch- đào tạo, bồi dưỡng đội  ngũ cán bộ. Cụ thể, huyện Ủy Củ Chi đề ra quy định: Với cán bộ công chức trẻ đang công tác thì có thêm chế độ phụ cấp riêng của huyện, còn với sinh viên thì huyện có chế độ, nếu sinh viên học tiếp cao học, huyện tài trợ toàn bộ chi phí, tiền sinh hoạt phí, có xe đưa rước khi đi học tại nội thành và các khoản chi phí ngoại khóa. Hết thời gian quy hoạch dài hạn thì đề nghị xét tuyển ngay vào công chức. 

Để trẻ hóa cán bộ, vấn đề là làm sao cán bộ lớn tuổi  ủng hộ người trẻ, đó là một nghệ thuật của người đứng đầu và người làm công tác tổ chức. Đây cũng chính là một trong những kinh nghiệm mà Quận ủy quận 3 đã thực hiện tốt trong những năm qua. Kinh nghiệm đầy thuyết phục của quận 3 là đưa cán bộ trẻ vào thực tiễn công việc để họ phấn đấu bộc lộ khả năng và cả những hạn chể để rồi uốn nắn cho họ vững vàng hơn. Quận ủy quận 3 đã đã chuẩn bị và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ xuất hiện trong những buổi họp có nhiều người tham dự. Họ được chuẩn bị từ cách nói năng đến thái độ tiếp xúc với người dân phải được chính người dân đón nhận với một hình ảnh gần gũi và thiện cảm. 

Tuy nhiên, không phải “bố trí cho đủ số lượng, đủ cơ cấu trẻ” là xong, cái khó ở các quận-huyện là làm thế nào để nâng chất đội ngũ cán bộ trẻ, từ đó nuôi dưỡng những “hạt giống đỏ”. Ngoài đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiều quận ủy có sáng kiến tổ chức các câu lạc bộ cán bộ trẻ để họ có môi trường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, giải quyết những bức xúc ở cơ sở, đồng thời tổ chức các chuyến đi “Về nguồn” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ông Phạm Ngọc Hữu-Bí thư Quận ủy quận 3, cho rằng: “Quận 3 tập hợp hơn 30 cán bộ trẻ tham gia câu lạc bộ “Tiến bước”. Sinh hoạt trong câu lạc bộ, cán bộ trẻ học hỏi lẫn nhau, tự tin trong công tác nên dám nghĩ dám làm. Trao đổi thêm một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ kế cận, Bí thư Quận ủy quận 3 Phạm Ngọc Hữu, chia sẻ:

Cùng với những kết quả đạt được đã nêu trên, thì thời gian qua, công tác đào tạo, quy hoạch của thành phố vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Vẫn còn nhiều sở-ngành, quận-huyện còn xem nhẹ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận; quy trình quy hoạch cán bộ ở nhiều nơi thực hiện chưa kỹ dẫn đến tình trạng việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ chưa phù hợp với trình độ, năng lực; có nơi việc đào tạo cán bộ chỉ mang tính thời vụ, không chuyên sâu từ đó xảy ra hiện tượng cán bộ làm sai rồi luân chuyển đi nơi khác mà không có những xử lý triệt để. Bài học về những sai phạm của một số cán bộ  quận Gò Vấp thời gian qua là một minh chứng rõ nhất về vấn đề đào tạo quy hoạch cán bộ. Và cũng từ thực tiễn xảy ra, nên công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ đã được Đảng bộ quận Gò Vấp đặt ra là một nhiệm vụ tiên quyết và trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ vừa qua. Nói về công tác đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ của quận Gò Vấp, Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Hữu Hiệp, nhìn nhận:

Với những cống hiến từng ngày, trong từng công việc cụ thể của mình, đội ngũ cán bộ trẻ đã và đang được cấp uỷ và lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi mình công tác đánh giá cao và không ít trong số họ được tạo điều kiện, tạo môi trường công tác tốt hơn, được đề bạt, bổ nhiệm giữ những nhiệm vụ quan trọng hơn. Đội ngũ cán bộ quy hoạch dài hạn của TPHCM vẫn đang tiếp tục nỗ lực khẳng định mình, tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho địa phương, đơn vị và cho sự phát triển của thành phố và đất nước./.