Công tác giảm ngập đô thị- Mừng nhưng vẫn còn lo

(VOH) - Từ đầu năm đến nay, nhiều điểm ngập trên địa bàn TP.HCM đã được xóa. Đó là kết quả của việc thực hiện các giải pháp chống ngập mà thành phố đã và đang triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, để việc chống ngập mang tính bền vững, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Năm 2012, TP.HCM đã xóa được 13/31 điểm ngập.ảnh: PLO

Năm 2012 sắp khép lại với nhiều điều đáng mừng xen lẫn nỗi lo trong công tác giảm ngập đô thị TP.HCM. Mừng là vì năm 2012, Trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố đã có nhiều nỗ lực đáng được ghi nhận, cho triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách trong khi chờ các dự án lớn của thành phố hoàn thành, như xây dựng tạm đường cống thoát nước, lắp đặt thêm nhiều máy bơm với đủ loại công suất, nắn dòng thoát nước ở những nơi mà đường cống bị nghẽn, tắc dòng và cho duy tu thường xuyên cống rãnh cũng như nạo vét kênh mương…nên công tác giảm ngập đô thị được thực hiện khá hơn so với các năm trước. Đến nay, thành phố đã xóa được 13/31 điểm ngập, đạt chỉ tiêu đăng ký đầu năm và giảm ngập ở nhiều tuyến đường bị ngập nặng từ các biện pháp cấp bách trên như: đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp; đường Nguyễn Văn Hóa, quận 12; đoạn quốc lộ 1A đi qua quận 12…đến nay không còn ngập như trước đây, người dân sinh sống quanh khu vực các tuyến đường này phấn khởi, không còn sợ bị ngập nặng. Nhiều tuyến đường khác trong nội đô, nhất là các con đường gần trung tâm thành phố như đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu), đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Cảnh v

.v. không còn bị ngập do triều cường. Thành công nữa là dọc theo các con kênh Tham Lương, Bến Cát, Rạch Nước Lên, bờ hữu ven sông Sài Gòn đã có đê bao và các công trình khác xây dựng xong đang có tác dụng chống úng ngập hiệu quả cho các quận huyện ở ngoại ô thành phố. Một người dân ở phường Thạnh Xuân quận 12 vui mừng nói:

Bên cạnh niềm vui, còn nhiều nỗi lo là vì hiện nay còn nhiều điểm ngập nằm rải rác ở vùng ven thành phố mà theo Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết đã có kế hoạch sẽ giải quyết từ năm 2013 trở đi. Một số người dân bức xúc:

Theo chúng tôi, nỗi lo còn biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như năm qua còn không ít dự án giảm ngập ở cấp quận hoặc nằm trên địa bàn quận do thành phố làm chủ đầu tư không thực hiện được, trong đó có dự án đã giải phóng mặt bằng xong cách nay vài năm mà cho đến nay vẫn chưa nhúc nhích. Ông Dương Hồng Thắng, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Bình Thạnh kể:

Nguyên nhân khác nữa là ngành chức năng không lường trước được mực nước triều dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu, có lúc vượt mức báo động, nước kênh rạch tràn qua kè tường. Đơn cử như đường Mễ Cốc và các tuyến đường xung quanh dọc theo kênh Tàu Hũ, Bến Nghé thường xuyên bị nước kênh tràn ra đường do kè tường quá thấp, có nơi bị ngập rất nặng. Hạn chế khác của công tác giảm ngập đô thị là sự bất lực trước tình hình lấn chiếm bờ, lòng kênh rạch của người dân làm cản trở dòng chảy của con kênh, gây thêm ô nhiễm môi trường, môi sinh cho khu vực và nhà thầu không thể nạo vét kênh mương, xây dựng đường cống thoát nước tại đây. Các dự án thủy lợi có ý nghĩa chống úng như dự án giai đoạn 1 kênh Tham Lương bị chậm lại cũng từ sự bất lực, không kiên quyết của quận 12 về giải phóng mặt bằng, để các hộ dân và các doanh nghiệp, trong đó có công ty bê tông Lê Phan dây dưa không chịu bàn giao mặt bằng làm cho nhà thầu không tổ chức thi công các gói thầu còn lại của dự án và làm ảnh hưởng đến cả các gói thầu của giai đoạn 2. Ông Trần Đăng Nghĩa, Cán bộ của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình TP.HCM đề nghị:

Điểm yếu lớn nhất và cũng là nỗi lo của các cấp từ Trung ương đến địa phương trong năm qua chính là chưa triển khai các dự án nằm trong quy hoạch 1547 của Chính phủ ban hành năm 2008. Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ để không cho triều xâm nhập vào khu nội thị và vùng ven thành phố với 13 cống kiểm soát triều, gồm 10 cống ở địa bàn thành phố và 3 cống ở Long An cùng nhiều công trình khác. Thế nhưng trong năm qua, chỉ có cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc, Thị Nghè tiếp tục thi công và không biết đến bao giờ xong. Cống này hoàn thành kết hợp với máy bơm có công suất 90m
3/giây sẽ có tác dụng chống ngập triệt để cho 7 quận dọc theo kênh, trong đó có quận Bình Thạnh là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ cống này. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM lý giải thêm:

Từ thực tế trên cho thấy, chưa thể khẳng định thời gian hoàn thành của các dự án trong quy hoạch 1547 sẽ triển khai đầu tư và thực hiện. Với những tồn tại này, trong năm 2013, nhiều khu vực ở vùng ven thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập nước khi xảy ra mưa hoặc triều cường. Và vẫn phải trông chờ vào các giải pháp cấp bách của ngành chức năng để giảm ngập cho các khu vực này.