Cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua

(VOH) – Trong phiên thảo luận hôm nay 5/11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đăng đàn tranh luận, giải trình về thủy điện và mưa lũ, cho ý kiến về kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thể hiện sự cầu thị, lắng nghe những ý kiến và đề xuất tâm huyết của các đại biểu khi nói về thảm họa đau thương miền Trung phải gánh chịu những tuần qua.

Ông Hà cho hay, cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua, trong đó bão và lũ chiếm khoảng 40%. Đây là thời điểm mà con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên:

“Cũng không phải là lỗi các thủy điện nhỏ. Ở Na Uy có rất nhiều các thủy điện nhỏ. Lỗi là chúng ta chưa phân tích được lợi ích, các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán, tự thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên mà thực tế là chúng ta có thể làm được thì có thể duy trì được nguồn điện năng nhưng không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên”.

quốc hội thảo luận
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.

Tranh luận với các Bộ trưởng về vấn đề rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – đoàn TPHCM nêu ý kiến, trong phiên thảo luận trước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin trước đây chúng ta có 9 triệu ha rừng nhưng nay tăng lên được 14 triệu ha rừng nhưng cần tách bạch rõ rừng tự nhiên và rừng trồng vì vai trò, tác dụng của hai loại rừng này khác nhau.

Đã có đại biểu thể hiện và tài liệu đã cho thấy vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên rất khác với rừng trồng. Trồng có nghĩa là cho phép khai thác, 3 năm hoặc 5 năm lại chặt đi và trồng mới. Tôi đề nghị không nói chung chung và không so sánh đơn giản như thế được”.

Tham gia phát biểu và trả lời ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, so với cách đây 30 năm, diện tích rừng tự nhiên đã tăng nhiều nhưng chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt. Theo đó, trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% rừng giàu về trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt.

Theo ông Cường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý vấn đề hoàn toàn chính xác: “Chúng ta đang xây dựng khuôn khổ chính sách, kể cả 4,3 triệu ha rừng trồng, tới đây, chúng ta cũng phải thay đổi bằng kết cấu cây rừng lâu năm, cơ cấu hài hóa kết hợp, đặc biệt với nhóm cây bản địa. Trong Chương trình Dự án phát triển rừng 2021 - 2030, Chính phủ đã lấy ý kiến các Bộ ngành và các địa phương, sẽ trình phê duyệt, đảm bảo mọi khả năng, cố gắng tốt nhất để có được chất lượng rừng ngày càng tốt hơn”. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng giải thích rõ hơn những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than và Bản Mồng.

Tại phiên thảo luận, Ni sư Thích Nữ Tín Liên, đoàn TPHCM, nêu những bức xúc của cử tri về vấn đề quy hoạch treo, những khiếu nại về ô nhiễm môi trường, xin cấp sổ đỏ, chủ quyền đất… mà người dân phản ánh, khiếu nại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết; Việc đền bù giá đất chưa thỏa đáng, dân không bằng lòng:

Các cấp các ngành cần tạo điều kiện để tăng cường tập trung giải quyết những vấn đề trên. Tòa án đẩy mạnh giải quyết các yếu tố khiếu nại, thương lượng, hòa giải. Ngành Tài nguyên môi trường đẩy mạnh giải quyết thỏa đáng giá cả bồi thường cho dân, tạo điều kiện cho dân có thể đáp ứng được việc di dời; Đẩy mạnh các buổi làm việc thương lượng đi đến thỏa thuận giá cả việc đền bù cho dân. Cơ quan quy hoạch phát triển tỉnh/thành phải tăng tốc để giải quyết nhanh các công trình quy hoạch treo”. 

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025. Bộ trưởng Tài chính cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%. Từ đó, tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh trên 10% so với thực hiện năm 2019.