Đa số các đại biểu nhất trí giữ nguyên tên nước

Sáng nay 3.6, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều cơ bản đồng tình, nhất trí với bản dự thảo Hiến pháp 1992 và xác định việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Góp ý cho chương về chế độ chính trị, hầu hết các ý kiến đồng tình với Dự thảo là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Lịch sử đã chứng minh sự thành công của Liên minh này trong quá trình lãnh đạo xã hội, làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội thực hiện công cụ đổi mới.

Về tên nước, đa số các đại biểu đều nhất trí giữ nguyên tên nước như hiện nay, các ý kiến đóng góp cho rằng, tên nước hiện nay đã gắn với giai đoạn hòa bình, phát triển của quốc gia, tên gọi này phù hợp với nền chính trị hiện tại và hướng tới phát triển trong tương lai. Việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa Xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp. Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) phát biểu:


Các ý kiến phát biểu cũng một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội, lịch sử đã chứng minh chỉ có Đảng cộng sản VN mới có đủ sức lãnh đạo cách mạng VN đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy cần tiếp tục khẳng định vai trò này của Đảng trong Hiến pháp. Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (đoàn Ninh Thuận) khẳng định:

Về vị trí của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 54), đa số các ý kiến của đại biểu đều nhất trí với phương án 3, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Theo đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam), không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, kể như vậy cũng có thể thiếu và thừa. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau. Đề cập nội dung như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi, không qui định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế Nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Đồng tình với ý kiến vừa nêu, đại biểu Phạm Trọng Nhân - đoàn Bình Dương phát biểu:


Cũng góp ý cho điều này, đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) lại cho rằng, cần khẳng định tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước để thể hiện được rõ hơn bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN của nền kinh tế. Về cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp kiểm soát lẫn nhau giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc kiểm soát quyền lực Nhà nước cần tập trung thống nhất vào Quốc hội để tránh độc đoán, chuyên quyền, điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp từ trước đến nay, vì vậy không cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiếp pháp mà chỉ cần hiến định rõ ràng vai trò của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa an nhân dân:

Về chính quyền địa phương, hầu hết các ý kiến góp ý đều khẳng định mô hình chính quyền bốn cấp như hiện nay là phù hợp, từ thực tế thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở địa phương mình, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, người dân đã mất chỗ dựa khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, mô hình thí điểm cũng chưa có đánh giá, tổng kết mức độ thành công, cho thấy đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Theo đại biểu này, ở đâu có UBND thì ở đó cần phải có HĐND để nhân dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với chính quyền, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nêu ý kiến:

Cũng trong ngày làm việc hôm nay, các đại biểu cũng tập trung góp ý về lời nói đầu của dự thảo; thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính; về việc tổ chức hội đồng hiến pháp; thành lập hội đồng bầu cử quốc gia; góp ý chương 2 về quyền con người, vai trò chức năng của tổ chức công đoàn; quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước…Ngày mai 4/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phiên làm việc được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.