Đại biểu mong muốn về phần trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

(VOH) - Hôm nay (8/11), Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội sau khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Kỳ họp thứ 6 cách đây một năm.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra những giải pháp giải quyết tình trạng tràn lan thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, siết chặt quản lý báo chí. Bày tỏ mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến 4 Bộ trưởng đã được chất vấn tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: NLĐ

Thời gian qua, các ứng dụng của khoa học công nghệ phát triển đã góp phần thông tin kịp thời tới người dân. Tuy nhiên, không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng đăng tải những thông tin xấu, độc, tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Trước thực trạng này, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) mong muốn Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra giải pháp khắc phục để hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin trên mạng xã hội không đúng thực tế gây hoang mang, tâm lý lo lắng cho người dân: "Có những bất cập như lợi dụng công nghệ thông tin để bôi nhọ, đưa thông tin không chính xác, có những cái không hay lên mạng xã hội. Đây là vấn đề đặt ra để Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông có những hướng làm sao lành mạnh hóa trên không gian mạng, mạng xã hội".

Bên cạnh những kỳ vọng về phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, nhiều đại biểu cũng kỳ vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến 4 Bộ trưởng được chất vấn tại kỳ họp này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) mong muốn: "Chúng ta đang bước vào năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho thềm 5 năm tới. Những thành công đạt được của kinh tế trong 5 năm qua đã phải là tiền đề vững chắc cho quá trình phát triển cho tương lai hay chưa. Thủ tướng cũng cần có đánh giá nhìn nhận làm vững tâm hơn cho đồng bào, cử tri và các đại biểu quốc hội về hướng đi trong tương lai. Liên quan đến tổ chức bộ máy, công vụ như các đại biểu đặt ra đây là điều Thủ tướng cũng phải để tâm trao đổi để làm thế nào chúng ta thực hiện được cải cách hành chính, trong đó có vấn đề liên quan đến cải cách bộ máy, nâng cao công vụ, thay đổi được hiệu quả công vụ, hiệu quả bộ máy".

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) kỳ vọng Thủ tướng đưa ra những chính sách cho vùng miền kinh tế trọng điểm có tiềm năng phát triển: "Cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề kinh tế - xã hội. Bà con vùng sâu xa, những vùng có tiềm năng phát triển nhưng chưa được đủ điều kiện để phát triển như Đồng bằng Sông Cửu Long, liên quan đến logistic phục vụ cho xuất khẩu nông sản, xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư cho vùng, hiện nay đang trông chờ sự quan tâm nhiều hơn của chính phủ và các bộ ngành để các vùng phát huy được tiềm năng về sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như các ngành nghề khác".