Đài TNND TPHCM: 40 năm những dấu ấn tự hào

(VOH) - Trong không khí cả nước kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với những người làm báo phát thanh của Đài TNND TP.HCM - VOH, niềm vui như càng nhân lên gấp bội. Ngày cả nước tưng bừng trong niềm vui tất thắng, cũng là ngày đánh dấu chương trình phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng, tiền thân của Đài TNND TP.HCM hôm nay.

Đài TNND TPHCM: 40 năm những dấu ấn tự hào 1

Tập thể cán bộ, viên chức và đoàn viên thanh niên Đài TNND TPHCM chụp ảnh lưu niệm tại bia tưởng niệm Đài Phát thanh Giải phóng (ảnh: K.Huân)

Tại đây 40 năm về trước, đúng 9h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn qua làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng và  phát lệnh kêu gọi binh sĩ ngừng bắn. Ngay sau đó, đoàn cán bộ của Đài Phát thanh giải phóng trong đội hình 5 cánh quân giải phóng từ chiến khu Lò Gò, Tây Ninh đã vào tiếp quản Đài. Trong niềm vui vô bờ bến của ngày đất nước thống nhất, đội ngũ của Đài Phát thanh giải phóng và kỹ thuật viên tại chỗ đã làm việc cật lực trong suốt ngày và đêm 30/4 để đúng 6h00 sáng ngày 1/5/1975, tiếng nói của Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng dõng dạc vang lên làm nao nức lòng người:

 

Vinh dự là người được thể hiện bản tin trong chương trình phát sóng mang ý nghĩa lịch sử, phát thanh viên Hữu Phước tuy đã về hưu nhiều năm nay nhưng tình cảm và quyết tâm của thế hệ cán bộ nhân viên trong những ngày đầu Đài được cất tiếng nói giữa Sài Gòn đã giải phóng mãi là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời công tác của ông. 40 năm trôi qua, ông vẫn cảm thấy niềm tự hào dâng trào : “Quan trọng nhất của việc tiếp quản là làm sao để tiếng nói của Mặt trận dân tộc giải phóng được phát lên ở Sài Gòn, để nhân dân biết Sài Gòn đã được giải phóng. Do vậy, việc chuẩn bị rất kỹ. Trước khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn những văn bản để khi tiếp quản sẽ phát lên, thậm chí dự phòng cả trường hợp vào Đài Sài Gòn mà không phát sóng được thì có xe lưu động phát sóng công suất không kém gì đài Sài Gòn. Cảm xúc thì không thể nào diễn tả được, tôi vừa đọc mà vừa xúc động”.

Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng trong những ngày đầu đất nước thống nhất đã nói lên tiếng nói chính nghĩa của chính quyền cách mạng, của nhân dân Sài Gòn bắt đầu làm chủ thành phố của mình. Cũng tại địa chỉ số 3 Nguyễn Đình Chiểu, hơn 1 năm sau, Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng chính thức trở thành Đài TNND TPHCM - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong bối cảnh chung của thành phố trong những ngày đầu đất nước thống nhất, đời sống khó khăn, điều kiện sống và tác nghiệp của đội ngũ cán bộ, phóng viên-biên tập viên và nhân viên Đài cũng không ngoại lệ nhưng đây lại là lúc tập thể Đài làm việc rất hăng say với tinh thần cống hiến cho cách mạng. Đó cũng chính là những ấn tượng sâu sắc ghi dấu trong lòng ông Nguyễn Khắc Cần – Nguyên Phó Giám đốc Đài từ năm 1976 đến năm 1987. Nay ở tuổi ngoài 90, ông Nguyễn Khắc Cần nhớ lại: “ Thời gian đó rất khó khăn, lương của anh em thấp lắm, ngoài lương ra không có thù lao gì nhưng anh chị em làm việc rất cố gắng. Anh em rất phấn khởi vì lúc đó tuy chưa đổi mới nhưng thành phố đã năng động đi trước, giải phóng sức sản xuất. Điều đó khuyến khích anh em, ngoài suy nghĩ mình làm nhà báo, anh em hãnh diện vì làm để phục vụ cho một địa phương lớn, làm cầu tàu cho sự đổi mới sau này”.

Tài sản quý giá của Đài là có đội ngũ phóng viên, biên tập viên được tôi rèn từ trong khói lửa chiến tranh, giàu kinh nghiệm và tâm huyết nên suốt chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, Đài luôn có tiếng nói đúng đắn, chính xác, nhất là trong quá trình tham gia chống tham nhũng, tiêu cực và góp phần xây dựng Thành phố. Ông Cao Xuân Phách – Nguyên Phó Giám đốc Đài từ năm 1986 đến năm 1996 cho biết, bước vào đổi mới năm 1986 cũng là thời kỳ Đài có rất nhiều khởi sắc: “Chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, Đài có rất nhiều chương trình, tiết mục hấp dẫn bạn nghe đài như Kể chuyện vui nông thôn, Trang cuối tạp chí người lao động… Lần đầu tiên trong làng báo chí và các đài phát thanh - truyền hình, Đài TNND TPHCM tổ chức các cuộc thi Tiếng hát phát thanh được đông đảo người tham gia, nhiều giọng hát hay được phát hiện từ sớm. Về mặt kỹ thuật, thời kỳ này Đài cũng bắt đầu đi vào công nghệ thông tin, các phòng biên tập từ năm 1994- 1995 là đã bắt đầu vi tính hóa”.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, đứng trước nhiều thử thách với sự ra đời và tiến bộ không ngừng của các loại hình báo chí khác, Đài TNND TPHCM (VOH) vẫn kiên định, vững vàng, luôn có tiếng nói đúng đắn, chính xác, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Điều quan trọng là Đài luôn khẳng định được vị trí trong lòng thính giả gần xa, là người bạn thân thuộc, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các giới, từ đô thị cho đến các vùng nông thôn, từ các bà, các chị nội trợ cho đến các bác hưu trí, tầng lớp sinh viên, công nhân lao động, người nông dân trên ruộng đồng…

Để có được thành quả to lớn đó, Đài đã không ngừng nỗ lực tự làm mới mình. Từ một kênh phát sóng AM 610Khz, đến nay Đài đã phát triển thêm kênh Thông tin thương mại giải trí trên tần số FM 99,9Mhz và kênh Giao thông đô thị trên tần số 95,6Mhz, có tổng thời lượng phát sóng 3 kênh là 62 giờ mỗi ngày với nhiều chương trình phát thanh được thính giả gần xa mến mộ và yêu quý. Năm 2015 cũng là năm đánh dấu trang tin tổng hợp điện tử www.voh.com.vn cải tiến cả hình thức và nội dung, thu hút ngày càng nhiều lượt người xem và chia sẻ.

 

Đài TNND TPHCM: 40 năm những dấu ấn tự hào 2

Phòng thu trực tiếp kênh Giao thông đô thị trên tần số 95,6Mhz của Đài TNND TPHCM. (ảnh: K.Huân)

Không chỉ chú trọng đổi mới về mặt nội dung mà kỹ thuật phát sóng, tầm phủ sóng của Đài cũng ngày càng tiến bộ, vươn xa. Thính giả đã quen với việc không chỉ nghe đài bằng phương tiện truyền thống mà còn có thể nghe trực tuyến qua internet. Đặc biệt, cả 3 làn sóng của Đài hiện nay đều có thể nghe qua thiết bị điện thoại di động. Phạm vi phủ sóng của VOH nay cũng được mở rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và chuẩn bị vươn ra phía Bắc.<_o3a_p>

Có thể nói, 40 năm qua, tập thể cán bộ, phóng viên-biên tập viên và nhân viên của Đài đã đi lên từ gian khó, không ngừng nỗ lực để xây dựng, phát triển Đài ngày càng lớn mạnh, trở thành một cơ quan báo chí có uy tín trong hệ thống phát thanh truyền hình của cả nước.<_o3a_p>

Giờ đây, Đài TNND TPHCM - VOH là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM và cũng là một địa chỉ quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Lãnh đạo Đài luôn chú trọng tới công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên-biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, để đội ngũ của Đài thực sự là những người có tâm huyết, trí tuệ, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông Lê Công Đồng – Giám đốc, Tổng biên tập Đài TNND TP.HCM cho biết : “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn để các phóng viên có thể tác nghiệp trên các loại hình, có thể vừa viết được, nói và tự biên tập, cũng như có thể sử dụng thông tin hình ảnh để chuyển tải trên trang tin điện tử của Đài. Đài sẽ tiếp tục nâng cao về trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu của phát thanh hiện đại. Tất cả những điều đó dựa trên nền tảng là tập thể Đài đoàn kết, xây dựng đội ngũ của Đài thành một khối thống nhất, tạo thành sức mạnh tập thể để hoàn thành tốt nhất các chức năng nhiệm vụ mà thành phố đã giao”.<_o3a_p>

Đài TNND TPHCM: 40 năm những dấu ấn tự hào 3

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc, Tổng biên tập Đài TNND TP.HCM phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2015 và 40 năm phát sóng 1/5/1975 - 1/5/2015. (ảnh: K.Huân)

Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tập thể cán bộ, phóng viên-biên tập viên và nhân viên của Đài TNND TP.HCM hôm nay tự hào tiếp nối sứ mệnh cao cả của thế hệ cha anh Đài Phát thanh giải phóng. Mỗi người là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, từ đó ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào Thành phố, góp phần đưa sự nghiệp phát thanh ngày càng đi lên.