Đầm ấm Tết quê hương

(VOH) - Năm nay là lần đầu tiên sau hơn 40 năm tha hương, gia đình ông Hồ Quốc Trung và bà Phạm Thị Xuân Lan– Việt kiều Mỹ, được ăn Tết trên chính mảnh đất quê hương. Không khí trong gia đình rộn ràng hẳn, đầy ắp tiếng cười nói.

Dù ở nước ngoài không thiếu những món truyền thống nhưng trong thâm tâm ông bà thì không có cái Tết nào vui bằng cái Tết quê nhà.

Bà Lan : “Về đây ăn Tết, tôi thấy có không khí Tết rõ ràng. 40 năm ở nước ngoài, do phải đi làm nên có những ngày tết mình không thể sửa soạn tươm tất. Thường gia đình chỉ có một bữa cơm họp mặt nhưng không nhộn nhịp như ở đây. Ở đây có thời gian nên vợ chồng, con cái cùng nhau sắm sửa, nấu nướng, bày vẽ ra … rất vui. Tết quê nhà có ý nghĩa với tôi, tôi cảm thấy rất hạnh phúc!”.

Niềm vui của bà con Việt kiều khi trở về nước đón tết (ảnh: TNO)

Về quê ăn Tết, không còn là chuyện đi hay về mà là hành trình tìm về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn. 

Ông Hồ Quốc Trung – Việt kiều Mỹ : “Đây là lần đầu tiên mà gia đình tôi ăn Tết ở Việt Nam. Về đây thấy cảnh người ta sắm sửa, lo đón Tết từ khoảng 15 ngày trước đó. Bên Mỹ chỉ có chừng 1 ngày là nhiều.

Lần sau tôi sẽ cố gắng để người thân và con cái bên Mỹ về đây ăn những cái Tết vui như thế này. Tôi cũng muốn nhân dịp này để dạy cho con cháu ý nghĩa của ngày Tết và sự sum họp gia đình là như thế nào”.

Vượt một chặng đường xa từ Canada về Việt Nam, Tết này vợ chồng bà Lê Thị Vân được sum vầy đầm ấm cùng người thân ở TPHCM. Hơn 20 năm xa quê cũng là từng ấy thời gian hai vợ chồng bà đau đáu nhớ về quê hương.

Được quây quần bên mâm cơm để nếm vị bánh tét, bánh chưng, ăn tô canh khổ qua cùng với đĩa thịt kho đậm đà, niềm mong mỏi bấy lâu nay thành hiện thực. Bà Vân cầm tay từng người thân, ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc. Những câu chuyện tưởng như dài không dứt.

“Ăn Tết trên quê hương, tôi thấy rất vui vì được gặp bà con, người thân của mình. Ngày Tết Việt Nam rất ý nghĩa và hạnh phúc. Con cái mình cũng trông mình về để cúng quả ông bà được đầm ấm, đông vui hơn”.

Trở về quê hương vào đúng dịp Tết Nguyên đán, bà Phạm Ngân (Việt kiều Pháp) bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng Đảng ta sẽ đưa ra các chủ trương, đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước trong 5 năm tới, giúp Việt Nam có bước tiến mạnh về kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Bà Ngân mong muốn các chính sách thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để bà con có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Chuyến về thăm Việt Nam lần này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, mà bà Phạm Ngân còn ấp ủ dự định sẽ mở một quán ăn tại TPHCM mang phong cách ẩm thực Pháp – nơi bà đã sinh sống hơn 20 năm qua.

“Trong lòng của mỗi người Việt, trong lòng của tôi thì hai chữ “Tổ quốc” mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc và mang tất cả lòng nhiệt tâm, nỗ lực của mình để đóng góp cho sự phát triển đất nước và giữ gìn Tổ quốc!”.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12.25 tỉ USD, trong đó TPHCM chiếm 5.5 tỷ USD, tăng khoảng 0.25 tỉ USD so với năm 2014. (ảnh minh họa: baocongthuong)

Theo báo cáo ngày 29/12/2015 của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12.25 tỉ USD, trong đó TPHCM chiếm 5.5 tỷ USD, tăng khoảng 0.25 tỉ USD so với năm 2014. Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. Còn xét ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines.

Ngày càng có nhiều kiều bào về nước tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm và tặng quà đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo; tham gia các hội nghị, hội thảo, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Trong không khí hân hoan giao mùa, trên đường phố tấp nập người và xe, có những người con đất Việt "chậm rãi" nhìn ngắm sự thay da đổi thịt của quê hương. Cái vị, cái sắc, cái tình của Tết nơi quê nhà không thể lẫn vào đâu được. Những cánh chim rong ruổi nơi đất khách giờ đã tìm về với cội nguồn.